Nhóm ngành xuất khẩu có động lực tăng trưởng trong năm 2022, tập trung vào lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, thủy sản.

Nhóm ngành xuất khẩu có động lực tăng trưởng trong năm 2022, tập trung vào lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, thủy sản.

Chọn ngành, doanh nghiệp để “gửi tiền”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 70% doanh nghiệp trên HOSE (đại diện hơn 80% giá trị vốn hóa toàn sàn) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận không cao, nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ lưỡng để “chọn mặt gửi tiền”.

Cần phân tích kỹ báo cáo tài chính

Dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI cập nhật đến phiên giao dịch đầu Xuân 2022 cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính ở mức 10,7%. Trong đó, 24 công ty thuộc rổ chỉ số VN30 có mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân là 4,5%.

Mức tăng trưởng chung không cao, nhưng có những doanh nghiệp nổi bật khi ghi nhận lợi nhuận đột biến, chẳng hạn Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (mã chứng khoán IDI). Tất nhiên, các doanh nghiệp này cần phải được phân tích kỹ trước khi đầu tư, chứ không thể vội vàng đặt lệnh mua ngay cổ phiếu, nhằm hạn chế rủi ro.

Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 của IDI đạt 85 tỷ đồng, tăng 176,2% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 9,5 lần so với quý III/2021; lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2021 đạt 143 tỷ đồng, tăng 42,6%, dù doanh thu ghi nhận 5.722 tỷ đồng, giảm 11% và chi phí vận chuyển tăng 50 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí thuê container ở mức cao) so với năm 2020; biên lợi nhuận gộp năm 2021 được cải thiện do giá bán tăng và doanh nghiệp kiểm soát được nguồn nguyên liệu, nên lợi nhuận gộp đạt 510 tỷ đồng, cao hơn 11,6% so với năm 2020.

Tính đến cuối năm 2021, vay và nợ tài chính ngắn hạn của IDI giảm 200 tỷ đồng so với cuối năm 2021, còn nợ dài hạn giảm hơn 100 tỷ đồng, giúp chi phí lãi vay giảm 50 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính năm 2021 dương 242 tỷ đồng so với mức âm 33 tỷ đồng năm 2020.

Dòng tiền hoạt động đầu tư năm 2021 dương 90 tỷ đồng so với mức âm 300 tỷ đồng năm 2020. Dòng tiền hoạt động tài chính năm 2021 âm 356 tỷ đồng so với mức dương 291 tỷ đồng năm 2020, do trả nợ khoản vay, thay vì vay nợ thêm.

Hàng tồn kho năm 2021 giảm 300 tỷ đồng so với năm 2020, cho thấy hoạt động quản trị hàng tồn kho hiệu quả hơn, giảm ứ đọng vốn.

Cuối năm 2021, IDI có 520 tỷ đồng tiền mặt, không thay đổi nhiều so với 1 năm trước. Tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng đạt 1.600 tỷ đồng, ổn định so với năm 2020 và chiếm trên 20% tổng tài sản.

Lợi nhuận chưa phân phối đạt 560 tỷ đồng, nếu chia cho 227 triệu cổ phiếu, EPS là 2.500 đồng. Dựa trên EPS dự kiến năm 2022 ở mức gần 3.000 đồng theo dự phóng lợi nhuận thì định giá P/E của cổ phiếu IDI hiện là 4 lần.

Yếu tố thị trường chung

Theo SSI, định giá P/E của VN-Index với giả định tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE xấp xỉ 15% là 14,2 lần. Đây là mức định giá hấp dẫn hơn so với các thị trường trong khu vực, có thể sẽ kích hoạt xu hướng giải ngân đầu năm của các quỹ ngoại, qua đó nâng đỡ thị trường.

Chọn doanh nghiệp tăng trưởng và thời điểm mua cổ phiếu phù hợp sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của các nhà đầu tư trong năm 2022.

Việc định giá, chọn doanh nghiệp tăng trưởng và thời điểm mua cổ phiếu phù hợp sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của các nhà đầu tư trong năm 2022, dù trong tháng 2, thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến bắt đầu từ tháng 3. Tuy nhiên, ảnh hưởng này nhiều khả năng mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn khi VND được coi là đồng tiền nổi bật trong khu vực với mức tăng giá năm 2022 dự kiến là 0,7%, trái ngược với xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi khác trong bối cảnh USD mạnh lên.

Trao đổi với các nhà đầu tư sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các chuyên gia của FIDT nhìn nhận, thị trường đang lo ngại Fed có thể nâng lãi suất 4 lần, mỗi lần 0,5%, chứ không phải 0,25%/lần, khiến chứng khoán Mỹ biến động và ảnh hưởng tâm lý đến chứng khoán Việt Nam.

Fed nâng lãi suất có tác động đến kinh tế Việt Nam hay không? Câu trả lời của FIDT là có, nhưng ở mức thấp. Nếu chúng ta giữ ổn định được tỷ giá, đồng tiền mạnh lên thì sức mua tăng, giá cả nhập về rẻ hơn, là điểm sáng tích cực để chống lạm phát. Vì vậy, tỷ giá là điểm đáng lưu ý trong năm nay. Năm 2021, Việt Nam chỉ nhập siêu 2 tháng, còn tính cả năm xuất siêu gần 5 tỷ USD.

Năm 2022, kinh tế có khả năng phục hồi rõ nét, xuất siêu gia tăng, dòng vốn nước ngoài vào mạnh, VND sẽ lên giá. Trong khi đó, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút FDI. Nếu lạm phát ở mức 4%, VND lên giá 1%, thì lạm phát thực chỉ là 3%.

FIDT nhận định, trong năm 2022, kỳ vọng dòng tiền rẻ không còn nhiều, kỳ vọng nhóm nhà đầu tư mới (F0) giảm khi có một dòng tiền rút ra đổ vào kinh doanh. Do đó, nhà đầu tư sẽ phải đầu tư bằng chất xám nhiều hơn bằng xu hướng. Thanh khoản thị trường dự kiến quanh mức 1,5 tỷ USD, khó có thể đạt 3 tỷ USD như năm ngoái.

Một số nhóm ngành và doanh nghiệp đáng lưu ý

Kinh tế phục hồi thì ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi. Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, tiền gửi không kỳ hạn cao, số hóa được đẩy mạnh, khả năng được nới tỷ lệ sở hữu tối đa nước ngoài... Hệ số định giá P/B của cổ phiếu ngân hàng hiện phổ biến từ 1,8 - 1,9 lần, rẻ hơn so với mức bình quân 2,6 lần của tháng 7/2021.

Với ngành bất động sản, nhiều doanh nghiệp nhỏ thời gian qua có lãi chủ yếu nhờ đầu tư tài chính, không đến từ hoạt động cốt lõi. Hiện các doanh nghiệp mới công bố báo cáo tài chính tự lập, khi có báo cáo kiểm toán thì tình trạng này sẽ rõ hơn.

Hiện tượng “sụp đổ đầu cơ” cổ phiếu địa ốc cuối năm 2021 là bài học lớn, dự báo nhóm cổ phiếu này sẽ hình thành vùng tích lũy và phân hóa.

Trong đó, những doanh nghiệp đem tiền đi đầu tư tài chính có nguy cơ phải “trả giá”. Riêng mảng bất động sản công nghiệp, năm nay bước sang năm thứ tư có xu hướng tăng. FDI năm 2022 được dự báo tăng mạnh nên mảng này có thể duy trì sức hấp dẫn.

Về đầu tư công, đầu năm 2022, Thủ tướng đã đi thị sát một số công trình và có thông điệp phải thúc đẩy hoạt động đầu tư công, cho thấy nhà đầu tư có thể chọn lọc các doanh nghiệp được hưởng lợi để bỏ vốn.

Báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp nhóm này chưa có điểm gì nổi bật và giá cổ phiếu hiện thấp hơn 15 - 20% so với đỉnh, nhưng có triển vọng tích cực trong thời gian tới. Lĩnh vực xây dựng hạ tầng liên đới tới xây dựng dân dụng dự kiến sẽ có diễn biến khả quan hơn.

Ngành du lịch sẽ phục hồi sau đại dịch, thị trường du lịch gần đây sôi động nhưng cần quan sát thêm vì có thể là do hiệu ứng Tết. Tương tự, các hãng hàng không cũng sẽ hồi phục, nhưng nhiều khả năng cần 3 - 5 năm mới phục hồi hoàn toàn.

Đặc biệt, Vietnam Airlines đang có lỗ lũy kế gần bằng vốn chủ sở hữu, nhưng giá cổ phiếu không giảm nhiều nên phù hợp với mục tiêu đầu cơ nhiều hơn. Mảng dịch vụ hàng không thích hợp để đầu tư dài hạn bởi doanh nghiệp nhìn chung tích lũy được nội lực, khả năng phòng thủ tốt, có cơ hội bật dậy.

Nhóm ngành xuất khẩu có động lực tăng trưởng trong năm 2022, tập trung vào lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, thủy sản, nhờ các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu có đà tăng trưởng tốt.

Với ngành vận tải biển và thép, “sóng” cổ phiếu xuất hiện trong tuần giao dịch đầu Xuân, nhưng nhà đầu tư có thể nắm giữ dài hạn hay chỉ thích hợp với mục tiêu đầu cơ là điểm cần xem xét khi giá cước vận tải biển giảm mạnh so với đỉnh năm 2021, còn ngành thép có biên lợi nhuận thấp, giá đã tạo đỉnh trong năm qua.

Với các doanh nghiệp ngành dầu khí, giá dầu thô hiện tăng lên trên 90 USD/thùng, hưởng lợi trực tiếp là BSR, PLX, OIL, GAS, PLC..., hưởng lợi gián tiếp có PVS, PVD, PVB, NSH... Dù vậy, biến động của nhóm này được nhìn nhận là rất lớn, vì những yếu tố khó đoán định theo địa chính trị trên thế giới, đặc biệt các doanh nghiệp dầu khí trong nước thiếu vắng các dự án mới.

Thực tế, ít có nhà đầu tư và công ty chứng khoán đưa cổ phiếu dầu khí vào mục tiêu đầu tư trung - dài hạn, mà chủ yếu đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Một số quan điểm cho rằng, dòng tiền nhà đầu tư mới sẽ tiếp tục giữ vai trò chính trên thị trường năm 2022 và thị trường khó tránh khỏi những đợt tăng, giảm điểm mạnh. Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư thay đổi biện pháp quản lý rủi ro theo dạng thị trường “có biến” thì bán mạnh, bởi cổ phiếu cơ bản cũng có nguy cơ bị bán như cổ phiếu đầu cơ, dẫn đến tâm lý dòng tiền chịu tác động lớn. Với biến động như vậy, việc định giá theo P/E và P/B cần được chiết khấu, dự phóng quanh mức 19 - 20 lần, thay vì 24 - 25 lần như các thị trường trong khu vực.

Tin bài liên quan