Chống cát cứ trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm

Chống cát cứ trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm

(ĐTCK-online) LTS: Báo ĐTCK số 32 (16/3/2011) đã giới thiệu những điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Tiếp theo, xin trích đăng đánh giá của Luật sư Thái Văn Cách về những nội dung mới này.

>> Kinh doanh bảo hiểm, nhiều điểm mới từ ngày 1/7

Việc thành lập DN kinh doanh bảo hiểm thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước được luật pháp cho phép. Tuy nhiên, đã có những biểu hiện độc quyền, cát cứ, dẫn tới việc người, đơn vị tham gia bảo hiểm không được hưởng quyền lợi từ sự phục vụ của các DN bảo hiểm có thể có dịch vụ tốt hơn. Vì vậy, bên cạnh việc quy định cạnh tranh về mức phí, điều kiện, phạm vi bảo hiểm…, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi còn quy định: "Dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc của DNNN phải thực hiện việc đấu thầu về điều kiện, phạm vi, mức trách nhiệm, mức phí, chất lượng dịch vụ, năng lực bảo hiểm và năng lực tài chính của DN bảo hiểm". Để tránh việc thông thầu, Luật cũng quy định, việc đấu thầu phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng DN bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù quy định khá rõ ràng, nhưng thực tế có nhiều tranh chấp xảy ra khi người tham gia bảo hiểm chỉ đóng một phần phí, thậm chí chưa đóng phí nhưng vẫn yêu cầu bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Để chấm dứt những lầm lẫn không đáng có, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi quy định rõ 3 trường hợp: hợp đồng đã ký, người tham gia bảo hiểm đã đóng đủ phí hay DN bảo hiểm chấp nhận cho người mua bảo hiểm nợ phí.

Về các loại hình DN bảo hiểm, so với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì luật mới không còn loại hình DNNN, DN bảo hiểm liên doanh. Luật sửa đổi cũng quy định hình thức DN bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam là công ty TNHH bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và DN bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.

Trước đây, để đại lý bảo hiểm đủ kiến thức chuyên môn giải thích cho người mua bảo hiểm các quy tắc, điều khoản bảo hiểm, việc đào tạo đại lý đã được Bộ Tài chính quy định về chương trình, thời lượng, nhưng cho phép các DN bảo hiểm cấp chứng chỉ đào tạo đại lý. Tuy nhiên, theo quy định mới, chứng chỉ đại lý do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp, những chứng chỉ đào tạo đại lý cấp trước ngày Luật sửa đổi có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng.

Điểm mới nữa trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi là việc Nhà nước quan tâm hơn đến việc bảo vệ người được bảo hiểm qua việc quy định thành lập Quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cũng có một số quy định về thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm.