Chống lại đề xuất từ bỏ bằng sáng chế, EU đệ trình kế hoạch khác lên WTO

Chống lại đề xuất từ bỏ bằng sáng chế, EU đệ trình kế hoạch khác lên WTO

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (4/6), Liên minh châu Âu (EU) đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kế hoạch mà họ tin rằng sẽ mở rộng nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 một cách hiệu quả hơn so với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin mà Mỹ ủng hộ.

Ấn Độ, Nam Phi và hàng chục quốc gia đang phát triển đã yêu cầu từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 cũng như các phương pháp điều trị khác để giải quyết những gì họ cho là "sự bất bình đẳng đáng kinh ngạc" trong việc tiếp cận vắc xin trên toàn cầu.

Một sự thay đổi bất ngờ của Mỹ vào tháng 5 vừa qua để ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế đã tạo ra áp lực lớn đối với các khu vực khác có nhiều nhà sản xuất vắc xin như Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ.

Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 quốc gia EU cho biết hôm thứ Sáu (4/6) rằng, họ đã đệ trình một giải pháp thay thế nhằm nhấn mạnh các giới hạn về hạn chế xuất khẩu và các quy định hiện hành của WTO cho phép các nước cấp giấy phép cho các nhà sản xuất vắc xin.

Hôm thứ Hai (31/5), các thành viên WTO đã thảo luận về đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 trong cuộc họp lần thứ 11 của họ về chủ đề này kể từ đề xuất bắt đầu vào tháng 10/2020, nhưng đến nay vẫn không có bước đột phá. Kế đó, một cuộc họp khác được lên kế hoạch vào thứ Ba (8/6) và thứ Tư (9/6).

Theo đó, kế hoạch của EU đề xuất cho biết có thể được thực hiện nhanh hơn nhiều so với đề xuất từ bỏ bằng sáng chế vắc xin, bao gồm 3 yếu tố.

Thứ nhất, hạn chế xuất khẩu nên được giữ ở mức tối thiểu. EU nhấn mạnh rằng họ đã xuất khẩu hơn 200 triệu liều vắc xin, nhiều hơn so với bất cứ khu vực nào khác.

Thứ hai, EU sẽ khuyến khích các nhà sản xuất và phát triển vắc xin tham gia các thỏa thuận cấp phép và sản xuất với các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển và cam kết tăng nguồn cung cho các quốc gia dễ bị tổn thương như cách mà Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson và Moderna đã làm.

Thứ ba, kế hoạch của EU nêu bật các quy định hiện hành của WTO cho phép các quốc gia cấp giấy phép cho các nhà sản xuất ngay cả khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế, mặc dù họ vẫn sẽ được bồi thường. Giấy phép như vậy sẽ giúp đảm bảo vắc xin có sẵn với giá cả phải chăng.

Tin bài liên quan