Chống lãng phí cần có tiêu chí rõ ràng

(ĐTCK-online) Chính phủ đã đề ra phải cắt giảm chi tiêu. Hiện chi thường xuyên của các bộ, ngành phần lớn là lương. Phần này không thể cắt. Cái có thể cắt là chi tiếp khách, mua sắm thiết bị, nội thất, đặc biệt là chi phí cho xe hơi... Phải có quy định cụ thể về chi tiêu những khoản này trong điều kiện mới. Chủ trương tiết kiệm điện, nhiên liệu cũng nên được cụ thể hóa.

Trong nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, tại Công văn 319/TTG - KTTH vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có nội dung quan trọng là điều hành chính sách tài khóa theo hướng thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, hạn chế bội chi ngân sách nhà nước. Để đạt được mục tiêu này, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, mặc dù đã có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng việc triển khai thực hiện đang gặp không ít khó khăn.

 

Lãng phí vẫn còn lớn

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), năm 2007, cơ quan này đã thực hiện kiểm toán đối với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi năm 2006 (Chương trình 135 - giai đoạn II); Dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn giai đoạn 1998 - 2006; Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo năm 2006; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2001 - 2005 và Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 (Đề án 112) tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 10 bộ, cơ quan ngang bộ. Qua kiểm toán, KTNN đã xác định, tổng số kinh phí sử dụng chưa đúng chế độ là 195.199,3 triệu đồng (sai đối tượng, nội dung, mục tiêu: 119.808,8 triệu đồng; sai phân cấp đầu tư: 55.702,5 triệu đồng; vượt định mức: 17.092,5 triệu đồng; sai nguồn 2.595,6 triệu đồng).

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thông qua tổ chức đấu thầu, thẩm tra dự toán và quyết toán công trình đầu tư, các bộ, ngành và địa phương đã tiết kiệm được trên 815 tỷ đồng vốn đầu tư; đã xử lý đình chỉ, huỷ bỏ nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, chậm tiến độ thực hiện và vi phạm các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, điều chuyển vốn đã bố trí cho các dự án này sang các dự án khác có tiến độ thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra tài chính đã phát hiện và kiến nghị xử lý trên 1.150 tỷ đồng vốn đầu tư của các công trình vi phạm quy định về quản lý đầu tư và xây dựng (khảo sát, thiết kế thiếu chính xác; lập, thẩm định và phê duyệt dự toán không đúng; nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng, đơn giá...). Kho bạc Nhà nước trong thực hiện kiểm soát thanh toán, chi trả cũng đã từ chối thanh toán gần 195 tỷ đồng các khoản chi không hợp pháp, hợp lệ.

Ngoài ra, qua công tác kiểm soát thanh toán, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 19.633 khoản chi của trên 8.758 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ và đã từ chối thanh toán 137 tỷ đồng chi không đúng chế độ quy định. Số liệu tổng hợp từ 3 tập đoàn, tổng công ty; 1 bộ, và 5 địa phương, các DNNN đã tiết kiệm được khoảng 121 tỷ đồng trong đầu tư xây dựng cơ bản và 44 tỷ đồng trong sản xuất - kinh doanh.

Mặc dù phát hiện và thu về cho ngân sách nhà nước số tiền không nhỏ từ việc giám sát chi tiêu công và đầu tư có nguồn vốn ngân sách nhưng theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác quản lý, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình xây dựng vẫn còn nhiều sai phạm, nghiệm thu thanh toán tăng sai chế độ hoặc quyết toán chậm. Quản lý tài chính tại một số DNNN vẫn còn sơ hở, sử dụng vốn kém hiệu quả, một số doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài; tình trạng kê khai nộp thuế thiếu hoặc chiếm dụng tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước vẫn còn xảy ra.

Chống lãng phí cần tiêu chí rõ ràng

Năm 2008 là năm thứ ba triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức, cơ chế quản lý trong sử dụng tiền và tài sản nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh  giá của một chuyên gia thuộc Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng lãng phí còn xảy ra phổ biến ở các lĩnh vực: quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; lựa chọn nhà thầu; quản lý sử dụng đất đai; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên... Sắc luật này có ý nghĩa lớn, nhưng thực hiện lại không dễ. Việc tổng kết, đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là rất quan trọng, vì đây là cơ sở để xây dựng những biện pháp khả thi hơn. Đối với ngành tài chính, một trong những tiêu chí quan trọng trong việc thực hiện Luật là đưa ra định mức chi tiêu.

"Chúng ta sẽ kiên quyết cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên và có khả năng sẽ phải cao hơn nữa", Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết như vậy trong cuộc họp báo kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 mới đây. Để thực hiện mục tiêu này cũng như nâng cao hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo các chuyên gia tài chính, bên cạnh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rất cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của từng cán bộ, công chức.