Khách đến tìm hiểu và mua nhà tại dự án Westgate. Ảnh: Trọng Tín

Khách đến tìm hiểu và mua nhà tại dự án Westgate. Ảnh: Trọng Tín

Chủ đầu tư dự án tung chiêu kích cầu mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đi kèm với việc chào bán sản phẩm nhỏ giọt theo kiểu "dò đá qua sông" để đo sức cầu, nhiều chủ đầu tư còn đưa ra các chính sách bán hàng ưu đãi hướng đến mục tiêu giảm lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng cho người mua nhà.

Chia nhỏ khoản phải đóng, kéo dài thời gian trả chậm

Nếu như trước đây, để kích cầu tiêu dùng mua nhà, chủ đầu tư dự án thường áp dụng chương trình thanh toán linh hoạt hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc cũng như các khoản chiết khấu, thì nay, trong bối cảnh lãi vay tăng cao và việc vay mua nhà khó khăn, chính sách có sự thay đổi theo hướng chia nhỏ số tiền phải đóng và kéo dài hơn thời gian trả chậm để người có nguồn tài chính hạn chế không cần phải vay ngân hàng mà vẫn có thể mua được nhà.

Chẳng hạn, mới đây, Hưng Thịnh Land - công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh đã công bố ra thị trường dự án 9X An Sương tại khu Tây Bắc TP.HCM có quy mô gần 800 căn hộ từ 1-3 phòng ngủ với giá chỉ từ 1,6 tỷ đồng/căn. Đây là dự án chung cư thuộc phân khúc trung cấp hiếm hoi được giới thiệu tại TP.HCM ở thời điểm hiện tại.

Đáng chú ý, chính sách thanh toán mà chủ đầu tư này đưa ra khá “dễ thở” khi người mua chỉ cần thanh toán trước từ 8-12% giá trị sản phẩm và hàng tháng trả góp thêm 0,5% (tức chỉ từ 7-8 triệu đồng/tháng) cho đến khi đủ 30% giá trị tài sản là có thể ký hợp đồng mua bán và nhận nhà. Sau đó, tiếp tục thanh toán cho chủ đầu tư mỗi tháng khoảng 3% giá trị sản phẩm, mà không cần vay ngân hàng một khoản tiền lớn với lãi suất cao. Cùng với chính sách trả chậm, nhiều ưu đãi chiết khấu lên tới gần 2 con số cũng được áp dụng với các hình thức thanh toán vượt tiến độ.

Tương tự, để thúc đẩy thanh khoản tại những giỏ hàng cuối cùng trong dự án Westgate (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Tập đoàn Bất động sản An Gia tung ra chính sách mua nhà “3 không” gồm không vay vốn ngân hàng, không áp lực thanh toán, không chờ đợi nhận nhà khi người mua chỉ cần thanh toán trước tối đa 30% là có thể sở hữu ngay căn hộ đã hoàn thiện.

Cụ thể, với một căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 85 m2, giá bán 3,6 tỷ đồng, người mua chỉ cần thanh toán trước khoảng 1,2 tỷ đồng là có thể nhận nhà ở ngay, đồng thời không phải thanh toán khoản tiền còn lại trong vòng 18 tháng sau khi nhận nhà như trước. Sau thời gian này, người mua sẽ đóng theo tỷ lệ phần trăm nhất định trong từng giai đoạn theo thỏa thuận với chủ đầu tư. Ngoài ra, chủ đầu tư còn chiết khấu 1-3% cho khách hàng thân thiết và miễn phí quản lý trong 2 năm.

“Chính sách thanh toán được thiết kế phù hợp với các gia đình trẻ có nguồn tài chính hạn chế mong muốn có được nơi an cư mà không cần vay vốn từ ngân hàng. Về góc độ đầu tư, chủ sở hữu được hưởng lợi từ khả năng xoay vòng vốn nhanh nhờ việc khai thác kinh doanh sớm ngay khi nhận nhà hoặc cho thuê căn hộ hoàn chỉnh”, đại diện An Gia chia sẻ thêm.

Không chỉ với loại hình căn hộ, nhiều dự án nhà phố, biệt thự cũng đưa ra chính sách bán hàng ưu đãi, chẳng hạn Trần Anh Group áp dụng ưu đãi dành cho người mua nhà tại dự án Phúc An Asuka khi chỉ cần đóng trước 12% giá trị sản phẩm, mỗi tháng đóng thêm 0,5% là có thể sở hữu nhà ở.

Dự án Westgate nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Tín

Dự án Westgate nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Tín

Cần động lực “xuống tiền”

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái bước đầu hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua đề xuất gói tín dụng mới 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, gói tín dụng này chủ yếu hướng đến đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, còn nhóm khách hàng mua nhà ở thương mại chưa được hỗ trợ lãi suất, mà vẫn phải trông chờ vào các chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư.

Trong khi đó, các chủ đầu tư đang chịu nhiều sức ép khi tín dụng ngân hàng khó tiếp cận, các kênh huy động vốn khác cũng gặp khó, lãi suất tăng, sức mua yếu... Vì thế, việc đưa ra các chính sách thanh toán linh hoạt để thu hút dòng tiền từ khách hàng lúc này cũng là cách để chủ đầu tư tự “cứu” mình.

Bà Thanh Phạm, quản lý cấp cao, CBRE Việt Nam cho rằng, khả năng tài chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến quyết định mua bất động sản của khách hàng lúc này. Nếu chỉ áp dụng các chính sách bán hàng như trước kia thì với mức lãi suất lên tới 13-14,5%/năm như hiện nay, nhiều người sẽ chùn chân vì áp lực trả lãi quá lớn.

Thực tế, thời gian qua, việc một số chủ đầu tư “đứt gánh” dòng tiền phải “hủy kèo” hỗ trợ lãi suất cho khách hàng giữa chừng dường như càng tạo tâm lý hoang mang và khiến nhiều người có ý định mua nhà phải suy tính lại. Vậy nên, các chính sách ưu đãi vừa là chiêu bài hỗ trợ người mua, vừa là giải pháp tự thoát khó của chủ đầu tư dự án. Khi đó, cả người mua lẫn chủ đầu tư đều giảm được sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng để mua nhà cũng như phát triển dự án.

Theo các chuyên gia, với khách hàng có nguồn tài chính dư dả, đây là thời điểm tốt để săn tìm các dự án chất lượng đi kèm tận hưởng các chương trình ưu đãi chưa từng có. Các khu đô thị, tòa nhà chung cư được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, quy hoạch bài bản, hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ được ưu tiên săn tìm nhờ có tiềm năng tăng giá trong dài hạn.

Tuy nhiên, các chính sách bán hàng dù tốt đến đâu thì cũng là yếu tố đi kèm. Do đó, điều người mua kỳ vọng nhất là chủ đầu tư chứng minh được tiềm lực tài chính, đảm bảo tiến độ xây dựng, chất lượng sản phẩm và pháp lý dự án.

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS Group, điều quan trọng nhất các doanh nghiệp địa ốc cần phải làm bây giờ là phải vực dậy niềm tin của người mua để họ sẵn sàng xuống tiền và khi đó nút thắt sẽ được tháo gỡ.

Ông Tuyển cho rằng, có 3 yếu tố chính làm thay đổi tâm lý người mua. Thứ nhất, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án đô thị ở nhiều địa phương cần được đẩy nhanh để tăng tính minh bạch cũng như nguồn cung mới cho thị trường, giúp đa dạng hóa sản phẩm, từ đó người mua sẽ yên tâm tìm hiểu và đầu tư vào sản phẩm ưa thích.

Thứ hai là hạ lãi suất. Theo ông Tuyển, vẫn biết việc giảm lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu mặt bằng lãi vay giảm thêm 1-2%/năm thì tiền từ ngân hàng sẽ chảy ra thị trường. Đó mới là dòng tiền lớn hỗ trợ thanh khoản cho thị trường địa ốc.

Thứ ba, giảm giá bán bất động sản - yếu tố quyết định việc xuống tiền. Ông Tuyển cho rằng, các chủ đầu tư cần chấp nhận đưa ra một mức giá đủ hấp dẫn để người mua có động lực xuống tiền, thậm chí phải “cắt máu” bán lỗ một vài dự án để “cứu” những sản phẩm còn lại.

“Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án là vấn đề lâu dài, trong khi lãi suất là câu chuyện trước mắt, còn giá cả hãy để cho cung cầu quyết định. Lòng tin của hàng triệu khách hàng luôn mạnh hơn các nguồn lực khác. Họ cần pháp lý rõ ràng, lãi suất hạ, giá cả hấp dẫn”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Tin bài liên quan