Chủ dự án điện khí 4 tỷ USD chờ được hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ giải quyết 3 tồn tại nhằm thỏa mãn yêu cầu của bên cho vay quốc tế, cũng như để có thể ký được hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Chủ dự án điện khí 4 tỷ USD chờ được hỗ trợ

Muốn được bảo đảm như dự án điện BOT

Trong báo cáo cập nhật tình hình triển khai Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với UBND tỉnh Bạc Liêu mới đây, chủ đầu tư dự án là Công ty Delta Offshore Energy (DOE) tiếp tục nhắc tới các bảo đảm nhà nước để có thể thực hiện đầu tư.

Theo lập luận của DOE, hợp đồng mua bán điện (PPA) cần có các bảo đảm nhà nước để thực hiện dự án đầu tư, đáp ứng yêu cầu bắt buộc của các bên cho vay quốc tế khi cung cấp tài chính cho Dự án.

Phía DOE cũng cho rằng, trong số 11 nội dung bảo đảm nhà nước mà nhà đầu tư kiến nghị, có 3 nội dung cần sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và 8 nội dung đã được làm rõ theo hướng dẫn của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1086/BKHĐT-PC (ngày 22/2/2022).

Ba nội dung được DOE chỉ ra gồm: chuyển đổi ngoại tệ; Nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt PPA; nghĩa vụ bao tiêu sản lượng điện hoặc thanh toán đủ tiền điện theo sản lượng điện cam kết.

Cụ thể, DOE đề xuất được Nhà nước bảo đảm tiếp cận dự trữ ngoại hối trong trường hợp không chuyển đổi được ngoại tệ trên thị trường ngân hàng thương mại tại Việt Nam để thanh toán cho khoản phí nhập khẩu LNG, trả gốc và lãi cho các khoản vay ngoại tệ (từ việc đổi tiền bán điện được trả bằng VND), hay các bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, mua nhiên liệu đầu vào… phải dùng ngoại tệ nhập khẩu từ nước ngoài.

Nếu Chính phủ sớm thông qua các cơ chế chính sách này, thì không chỉ thúc đẩy Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, mà còn mở đường triển khai cho tất cả các Dự án khác trong Quy hoạch Điện VIII, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Ông Ian Duc Thang Nguyen, Giám đốc điều hành DOE

Đối với việc bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN trong trường hợp chấp dứt PPA, sở dĩ nhà đầu tư đề xuất Nhà nước là bởi cho rằng, EVN không đủ xếp hạng tín dụng quốc tế (tức là xếp hạng đầu tư của các tổ chức xếp hạng như S&P, Fitch và Moody’s) và có nguy cơ mất khả năng thanh toán, trong khi EVN là đơn vị duy nhất đại diện Chính phủ mua điện của dự án để bán lẻ cho các hộ tiêu thụ.

Đề xuất nghĩa vụ bao tiêu sản lượng điện hoặc thanh toán đủ tiền điện theo sản lượng cam kết mà DOE đưa ra cũng giống như trường hợp các dự án điện BOT trước đây, dù Nhà máy điện LNG Bạc Liêu đầu tư theo hình thức nhà máy điện độc lập, không có chuyển giao lại cho phía Việt Nam sau một khoảng thời gian vận hành.

Trong 8 vấn đề khác được DOE cho là đã có hướng dẫn, thì có 2 vấn đề liên quan đến Luật Đất đai và nhà đầu tư cho biết sẽ tuân thủ theo quy định hiện hành, còn 6 vấn đề được cho là nằm trong giới hạn đàm phán của nhà đầu tư với EVN và Bộ Công thương.

Cụ thể là bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật; chuyển giá khí LNG sang giá điện; bảo đảm đường dây truyền tải và đấu nối; luật điều chỉnh PPA; ngôn ngữ dùng trong PPA; cơ quan giải quyết tranh chấp PPA.

DOE cũng cho rằng, các yêu cầu này là nhất quán với các hợp đồng BOT đã được hoàn thành và cấp vốn trước đây. Không chỉ vậy, những điều này cũng được các bên cho vay thương mại và các cơ quan tín dụng xuất khẩu quốc tế tư vấn cho nhà đầu tư và coi đó là những điều khoản bắt buộc với bất cứ khoản vay quốc tế nào.

Đồng thời, những quy định này cũng phù hợp với đề xuất của các nhà đầu tư dự án điện khác đã trình Chính phủ để có thể huy động nguồn tài chính quốc tế.

Đường còn dài

Như vậy, đã 4 năm trôi qua, kể từ khi Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu được cấp chủ trương đầu tư vào tháng 1/2020. Trong thời gian này, nhà đầu tư đã hoàn tất không ít công việc như xây dựng phương án đấu nối và được Bộ Công thương thẩm định, sau đó được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VIII.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng đã được phê duyệt vào tháng 9/2021; hạng mục Kho cảng nổi LNG được phê duyệt trong Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển hồi tháng 9/2021; Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được Bộ Công thương thẩm định vào tháng 1/2021.

Đặc biệt, nhà đầu tư cũng đã có 9 buổi làm việc chính thức với Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN và cung cấp dự thảo PPA sửa đổi từ mẫu Thông tư 57/2020/TT-BCT hiện hành để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của các bên cho vay quốc tế.

Để đảm bảo nhiên liệu cho nhà máy vận hành liên tục, DOE cũng đã tổ chức đấu thầu quốc tế để cung cấp LNG dài hạn, thu hút 29 hồ sơ dự thầu.

Tuy nhiên, khi hàng loạt vấn đề còn chưa được thông suốt như nói trên, thì nhà đầu tư cũng nhắc tới đường dây truyền tải 500 kV Bạc Liêu - Thốt Nốt chưa được phía Việt Nam xác định chủ đầu tư, làm ảnh hưởng tới lịch đóng điện ngược và chạy thử của dự án.

Theo DOE, chỉ khi xác định được thời điểm đóng điện ngược, thì hai bên mới thỏa thuận được thời gian và sản lượng điện của từng tổ máy, làm cơ sở xác định giá điện.

Vì vậy, doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương và giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư để kịp xây dựng, đồng bộ với tiến độ phát điện của tổ máy đầu tiên vào tháng 6/2028.

Tin bài liên quan