Phố Wall phục hồi mạnh sau tuyên bố của Chủ tịch ECB Draghi - Ảnh: Reuters

Phố Wall phục hồi mạnh sau tuyên bố của Chủ tịch ECB Draghi - Ảnh: Reuters

Chủ tịch ECB “bơm doping”, chứng khoán toàn cầu vọt tăng

(ĐTCK) Cam kết của Chủ tịch ECB về duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thời gian dài như liều doping kịp thời cho giới đầu tư chứng khoán, giúp các thị trường vọt tăng mạnh trở lại.

Sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần, phố Wall đã có phiên hồi phục mạnh trong ngày thứ Tư, trong đó, chỉ số S&P 500 kết thúc chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp và có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây.

Phố Wall tăng mạnh trở lại nhờ những thông tin liên quan đến chính sách. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đưa ra cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài, cho tới khi lạm phát của khu vực đồng tiền chung lên đến 2%.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng cho biết, FED nên “đặc biệt kiên nhẫn” với chính sách tiền tệ của mình. Hàm ý duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay.

Ngoài các thông điệp trên, phố Wall cũng nhận được sự hỗ trợ từ dữ liệu nhà ở. Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán nhà trong tháng 8 tăng mạnh, bù đắp cho dữ liệu yếu kém được công bố hôm thứ Hai về doanh số bán nhà hiện hữu. Chỉ số nhà ở tăng 0,6%.

Với những thông tin này, phố Wall đã bất tăng mạnh sau khoảng nửa thời gian của phiên sáng giằng co quanh mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Dow Jones tăng 154,19 điểm (+0,90%), lên 17.210,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,53 điểm (+0,78%), lên 1.998,30 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 46,53 điểm (+1,03%), lên 4.555,22 điểm.

Cam kết của ông Draghi rõ ràng cũng có tác động tức thì tới chứng khoán châu Âu. Lình xình và giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên thứ Tư, nhưng sau những thông điệp của giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương, các thị trường chứng khoán chính của châu Âu vọt tăng ở những phút cuối phiên, chấm dứt chuỗi 2 phiên giảm điểm.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 30,19 điểm (+0,45%), lên 6.706,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 66,94 điểm (+0,70%), lên 9.661,97 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 54,37 điểm (+1,25%), lên 4.413,72 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm ngay khi bước vào phiên giao dịch hôm thứ Tư sau 1 phiên giảm điểm. Chứng khoán giảm khi Mỹ không kích phiến quân nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria, làm hãm đà giảm của đồng yên Nhật, động lực giúp Nikkei 225 tăng điểm thời gian qua. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông phục hồi trở lại và chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh sau khi dữ liệu về chỉ số PMI tháng 8 của Trung Quốc được công bố tích cực trước đó.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 38,45 điểm (-0,24%), xuống 16.167,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 84,54 điểm (+0,35%), lên 23.921,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 33,86 điểm (+1,47%), lên 2.343,57 điểm.

Trong khi đó, giá vàng đã giảm trở lại trong phiên thứ Tư khi đồng chỉ số USD lên mức cao nhất 4 năm. Ngoài ra, theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang trong xu hướng giảm, vì vậy, chỉ sau 1 phiên tăng giá, giới đầu tư nhanh chóng chốt lời kỹ thuật, đẩy vàng giảm trở lại.

Kết thúc phiên 24/9, giá vàng giao ngay giảm 6,3 USD (-0,52%), xuống 1.216,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 2,5 USD (-0,21%), xuống 1.219,5 USD/ounce.

Giá dầu vọt tăng mạnh sau khi Mỹ bất ngờ công bố kho dự trữ tuần trước bất sụt giảm.

Kết thúc phiên 24/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,24 USD (+1,35%), lên 92,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,1 USD (+0,10%), lên 96,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan