Paschal Donohoe, Bộ trưởng tài chính Ireland đồng thời là Chủ tịch Eurogroup - Nhóm các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU).

Paschal Donohoe, Bộ trưởng tài chính Ireland đồng thời là Chủ tịch Eurogroup - Nhóm các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch Eurogroup: Châu Âu không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ chính phủ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Eurogroup cho biết, khu vực đồng euro có vị thế tốt để vượt qua những biến động thị trường gần đây và nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng trong năm nay và năm tới, đồng thời phủ nhận rằng EU đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giống như cuộc khủng hoảng từng xảy ra vào thập kỷ trước.

Paschal Donohoe, Bộ trưởng tài chính Ireland, đồng thời là Chủ tịch Eurogroup - Nhóm các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) cho biết, hoàn cảnh hiện tại “hoàn toàn khác với loại môi trường khủng hoảng mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ” khi EU bị siết chặt bởi một đợt bán tháo trái phiếu chính phủ vào đầu những năm 2010.

Ông Donohoe cho biết, khu vực EU hiện có "kiến trúc mạnh mẽ hơn" và "nền tảng sâu sắc hơn cho đồng tiền chung của chúng ta".

Kể từ cuộc khủng hoảng nợ cuối cùng của khu vực, EU đã tăng cường quy định ngân hàng của các quốc gia trong khối với việc thành lập cơ quan giám sát toàn châu Âu và cơ sở hạ tầng chống khủng hoảng thông qua một cơ chế giải quyết chung khi các bên cho vay thất bại. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có các công cụ mới để mua trái phiếu chính phủ, trong khi các nhà lập pháp tạo ra một quỹ thu hồi các khoản nợ chung trong đại dịch Covid-19.

Ông nói: “Tất cả chúng tôi đều tự tin về khả năng vượt qua những thay đổi đang diễn ra”.

Lạm phát gia tăng và niềm tin không ổn định một phần xuất phát từ sự gián đoạn cung cấp năng lượng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2, đã làm dấy lên lo ngại rằng khu vực đồng euro đang đi vào một cuộc suy thoái mạnh. Khi ECB tham gia cùng các nhà hoạch định chính sách khác trong việc nâng lãi suất, những lo ngại đó càng gia tăng. Lợi tức trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha đã đạt mức cao nhất trong 8 năm vào tuần trước khi sự xáo trộn của thị trường gia tăng.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner gợi ý rằng, ECB đã phản ứng quá mức với việc bán tháo trên thị trường trái phiếu. Ông tuyên bố khu vực đồng euro là “ổn định và mạnh mẽ” và “không cần phải lo lắng gì” về việc chi phí đi vay của một số quốc gia tăng nhanh hơn các quốc gia khác.

Mặc dù các quốc gia thành viên sẽ phải cam kết thực hiện các kế hoạch đáng tin cậy để giảm vay nợ công và quản lý áp lực lạm phát khi tốc độ tăng giá đã lên tới 8%, ông Donohoe nhấn mạnh rằng một thị trường lao động mạnh mẽ sẽ dẫn đến sự mở rộng kinh tế.

Ông Donohoe nhấn mạnh sự tăng trưởng việc làm cũng như hỗ trợ từ chương trình NextGenerationEU trị giá 800 tỷ euro (842 tỷ USD) của EU sẽ duy trì sự mở rộng kinh tế của khu vực ngay cả khi kỳ vọng tăng trưởng bị cắt giảm.

Theo dự báo trong tháng này từ ECB, nền kinh tế khu vực đồng euro dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 2,1% trong năm tới. Nhưng ECB cho biết một kịch bản đi xuống liên quan đến việc Nga cắt tất cả các nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu sẽ khiến nền kinh tế của khối giảm 1,7% trong năm tới.

Trong khi đó, khả năng xảy ra kịch bản tiêu cực đã tăng lên sau khi Moscow giảm mạnh dòng khí đốt đến Đức và Ý.

Các thủ đô châu Âu đang cố gắng đạt được sự cân bằng mong manh giữa việc giúp đỡ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lạm phát trong khi giảm nợ công. Khối đang chuyển từ việc khuyến nghị các quốc gia thành viên có lập trường tài khóa ủng hộ nhẹ nhàng sang một chính sách trung lập, với sự hỗ trợ có mục tiêu hơn.

Khoản vay của các chính phủ đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch do thu thuế giảm mạnh và chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và các biện pháp kinh tế tăng cao.

“Vị trí khởi đầu của các quốc gia thành viên về mức nợ và mức thâm hụt của họ hiện nay rất rất khác so với vị thế của chúng tôi trước Covid. Chúng tôi sẽ tiếp tục cần phải có những kế hoạch giảm thiểu việc vay nợ một cách thận trọng. Các kế hoạch để thực hiện nó sẽ phải đáng tin cậy. Họ sẽ phải phản ánh sự thật rằng chúng ta đang ở trong một môi trường lạm phát”, ông Donohoe cho biết.

Bộ trưởng tài chính Ireland cho biết thêm, mức vay quá nhiều có thể “góp phần vào áp lực lạm phát mà chúng tôi đang cố gắng giảm thiểu. Đây sẽ là một sự cân bằng tốt”.

Một số chính trị gia đã lập luận rằng EU nên thực hiện nhiều khoản vay chung hơn để giúp hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và các ưu tiên khác. Nhưng ông Donohoe khẳng định rằng các quốc gia thành viên muốn tập trung vào việc thực hiện các kế hoạch hiện có.

“Quy mô của những gì chúng tôi đã đồng ý là rất lớn nên sẽ cần một thời gian để chúng tôi có thể chứng minh rằng điều đó đã được thực hiện đầy đủ”, ông Donohoe cho biết.

“Chúng tôi chấp nhận có những thay đổi trong điều kiện thị trường, điều này có thể hiểu được khi chính sách tiền tệ thay đổi để phản ánh một nền kinh tế đang thay đổi. Tuy nhiên, đã có sự thống nhất về mục đích trong việc đảm bảo rằng chúng tôi có các kế hoạch và bước đi nhằm duy trì khả năng phục hồi của đồng euro và khu vực đồng euro”, ông Donohoe cho biết thêm.

Tin bài liên quan