Chủ tịch Fed "nhấn chìm" phố Wall

Chủ tịch Fed "nhấn chìm" phố Wall

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall bị bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu (26/8), khi mà Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tại hội nghị thường niên tại Jackson Hole, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã có bài phát biểu quan trọng và nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ cần chính sách thắt chặt tiền tệ "trong một thời gian" trước khi lạm phát được kiểm soát. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường việc làm yếu đi và là "một nỗi đau" đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Phiên này, cả ba chỉ số chính đều lao dốc, trong đó, Nasdaq Composite giảm gần 4%, phiên tồi tồi tệ nhất kể từ ngày 16/6, do ảnh hưởng nặng nề bởi các cổ phiếu megacap, vốn nhạy cảm với lãi suất cao.

Trong đó, những cái tên như Nvidia và Amazon.com lần lượt giảm 9,2% và 4,8%, Alphabet (Google), Meta Platforms (Facebook) giảm từ 4,1% đến 7,7%.

Trong khi đó, tất cả 11 phân ngành chính của S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ, dẫn đầu là các chỉ số công nghệ thông tin, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng, giảm từ 3,9% đến 4,3%.

Dữ liệu trước đó cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ hầu như không tăng trong tháng 7, nhưng lạm phát đã giảm đáng kể, điều này có thể tạo điều kiện cho Fed giảm bớt các đợt tăng lãi suất mạnh trong tương lai, nhưng với phát biểu của Chủ tịch Fed, kỳ vọng này đã tan thành mây khói.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác trong phiên này như, Dell giảm 13,5% khi dự báo suy thoái do lạm phát và triển vọng kinh tế đen tối, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp thắt chặt hầu bao.

Cổ phiếu Affirm Holdings giảm 21,3%, sau khi công ty cho vay mua ngay trả sau dự báo doanh thu cả năm thấp hơn ước tính của Phố Wall, nhấn mạnh sự suy thoái lớn hơn trong lĩnh vực fintech.

Trong tuần, Dow Jones mất 4,2%, S&P 500 giảm 4% và Nasdaq Composite giảm 4,4%.

Kết thúc phiên 25/8, chỉ số Dow Jones giảm 1.008,38 điểm (-3,03%), xuống 32.283,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 141,46 điểm (-3,37%), xuống 4.057,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 497,56 điểm (-3,94%), xuống 12.141,71 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm mạnh, trong đó Đức dẫn đầu đà lao dốc, khi các nhà đầu tư lo ngại về dữ liệu tâm lý người tiêu dùng đang đi xuống ở nền kinh tế lớn nhất châu lục, trong khi lập trường diều hâu được nhắc lại từ Fed làm tăng thêm lo ngại.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,68% xuống 426,09 điểm và giảm 2,6% trong tuần.

Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm gần 2,3%, và mất 4,2% trong tuần, ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong hơn hai tháng.

Một cuộc khảo sát mới cho thấy tâm lý người tiêu dùng Đức sẽ đạt mức thấp kỷ lục trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 9, khi các hộ gia đình phải gồng mình lên vì hóa đơn năng lượng tăng cao.

"Những lo ngại về suy thoái kinh tế của Đức chỉ trở nên dữ dội hơn với chỉ số tâm lý giảm xuống mức thấp kỷ lục mới ... Đức đặc biệt phụ thuộc vào nguồn năng lượng bên ngoài và người dân đang phải tiết kiệm nhiên liệu ở mức cao nhất trong 11 năm” Sophie Lund-Yates, nhà phân tích cổ phiếu hàng đầu tại Hargreaves Lansdown cho biết.

Cùng với đó thị trường còn chịu tác động tiêu cực từ Chủ tịch Fed, sau khi có phát biểu rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ cần chính sách tiền tệ thắt chặt "trong một thời gian" trước khi lạm phát được kiểm soát.

Lợi tức trái phiếu khu vực đồng Euro tiếp tục tăng sau bình luận của ông Powell. Chi phí đi vay trong khu vực đồng Euro đã bị đẩy lên cao hơn sau khi một báo cáo của Reuters rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tranh luận về việc tăng lãi suất 0,75% vào tháng 9.

Trong một diễn biến khác, cơ quan quản lý Ofgem cho biết hóa đơn năng lượng của Anh sẽ tăng 80% lên mức trung bình 3.549 bảng Anh (4.188 USD) một năm kể từ tháng 10, gọi đây là một "cuộc khủng hoảng" cần phải giải quyết bằng hành động khẩn cấp của chính phủ.

Kết thúc phiên 26/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 52,42 điểm (-0,70%), xuống 7.427,31 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 300,49 điểm (-2,26%), xuống 12.971,47 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 107,30 điểm (-1,68%), xuống 6.274,26 điểm.

Giá dầu thô được hỗ trợ bởi viễn cảnh OPEC sẽ hạn chế sản lượng khai thác để bù đắp sự gia tăng nguồn cung dầu từ Iran nếu Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.

Kết thúc phiên 26/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,54 USD/thùng (+0,58%), lên 93,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,65 USD/thùng (+1,63%), lên 100,99 USD/thùng.

Tin bài liên quan