Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam: Sốt đất đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân…

Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam: Sốt đất đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ tại Tọa đàm mùa xuân lần I do Reatimes tổ chức ngày 26/3, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, cơn sốt đất nền ăn theo quy hoạch hạ tầng, địa giới hành chính vốn đi kèm với nhiều hệ luỵ. Nhiều người thành tỷ phú từ việc ăn theo cơn sốt đất nhưng cũng có không ít nhà đầu tư “chết” vì không kịp thoát.

Tuy nhiên, cho tới nay, tình trạng chạy theo sóng của một bộ phận nhà đầu tư vẫn rất lớn, nguyên nhân là do bất động sản, đặc biệt đất nền vẫn được coi là “của để dành” của người dân.

Theo ông Hà, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, thì sự hạn chế nguồn cung của thị trường bất động sản tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, đã buộc chủ đầu tư, sàn giao dịch phải đi xa hơn về các tỉnh lẻ để phát triển các dự án, đồng thời có kinh phí để tiếp tục bộ máy kinh doanh của họ.

"Khi các chủ đầu tư, sàn giao dịch về các tỉnh lẻ để phát triển dự án, các nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ đi theo để “bám sóng” giá đất dựa các thông tin được “cò” tung ra", ông Hà nói.

Bên cạnh đó, sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều ngành nghề phát triển chậm, bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp, nên nhiều người tìm đến đất đai và nhà ở như một xu hướng đầu tư an toàn. Điều này đã gây ra hiện tượng nhu cầu thật ít, nhu cầu đầu tư nhiều trong thời gian vừa qua.

Đáng chú ý, sốt đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà cơn sốt còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng...

"Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng sốt đất đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Những cơn sốt đất chúng ta đã chứng kiến ở Ba Vì, hay như mới đây ở Bình Phước... là những ví dụ điển hình", ông Hà cho biết.

Chia sẻ thêm tại tòa đàm, ông Hà cho biết, giữa hàng loạt dự án lớn nhỏ, lựa chọn sản phẩm chất lượng để giảm thiểu tối đa rủi ro là thách thức lớn của nhà đầu tư. Một dự án chất lượng phải hội tụ đủ các yếu tố về cơ bản như vị trí kết nối, khu vực tập trung nhiều dân cư, mật đô dân cư cao, quy hoạch bài bản khoa học, hạ tầng tiện ích được đầu tư đồng bộ và trước hết là pháp lý phải minh bạch và chủ đầu tư uy tín.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại còn nhiều băn khoăn về việc đầu tư vào thị trường trong cơn sốt nóng cục bộ, chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhưng nhìn chung theo ông Hà, có hai yếu tố mà nhà đầu tư cần phải xem xét đó là yếu tố về hạ tầng kết nối vùng và uy tín của các doanh nghiệp.

Cụ thể, việc đầu tư đón đầu trước thông tin hạ tầng, cũng như sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn không phải hoàn toàn đều có rủi ro. Tuy nhiên, trước khi quyết định xuống tiền đầu tư, các nhà đầu tư cũng cần nhận diện được tiềm năng phát triển của khu vực, cần phải nghiên cứu kỹ về pháp lý, giá cả, uy tín chủ đầu tư và quan trọng nhất là nơi đó có cộng đồng dân cư hay không, vì hiện nay có nhiều dự án triển khai nhưng bán xong rồi để đó. "Các nhà đầu tư cần tỉnh táo để lựa chọn cơ hội đầu tư cho mình", ông Hà nói.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ở cấp địa phương phải nâng cao tinh thần và gắn trách nhiệm với hiện tượng sốt đất…, từ đó, chủ động hơn trong việc phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.

Theo ông Hà: "Việc cung cấp đẩy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn là cách thức hiện hữu để nắn dòng tiền mới vào đúng nơi, đúng chỗ.

Ngoài ra, việc tuyên truyền thông tin cảnh báo về sốt đất ảo từ phía cơ quan báo chí truyền thông là rất cần thiết để cảnh tỉnh nhà đầu tư tránh sa lầy vào các cơn sốt đất".

Tin bài liên quan