Ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: M.Minh)

Ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: M.Minh)

Chủ tịch Keppel Land Việt Nam: Tặng đất có thể khuyến khích chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là đại diện tập đoàn bất động sản Singapore đã đầu tư vào thị trường Việt Nam hơn 30 năm, ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam gợi ý một số giải pháp phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, trong đó có chính sách khuyến khích nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ và phát triển bất động sản xanh.

Tạo thêm nguồn cung, đừng bỏ qua những toà nhà cũ

Tại Hội nghị quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản Việt Nam" do Bộ Xây dựng và Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 13/7, ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam cho rằng, để hướng tới một thị trường bất động sản bền vững cho Việt Nam thì cần giải quyết đủ nhu cầu thị trường để đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng tại đất nước này.

Theo ông Joseph Low, hiện nay, nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi các thách thức đa dạng như vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án không rõ ràng, còn phức tạp... Nếu không giải quyết, các vấn đề này sẽ làm tăng sự không ổn định trên thị trường, dẫn đến tăng chi phí xây dựng và cuối cùng là giá nhà cao hơn cho người dân Việt Nam.

"Chúng tôi nhận thấy rằng Chính phủ đang cố gắng tinh gọn và tăng tốc quy trình phê duyệt, nhưng điều quan trọng là đảm bảo những nỗ lực này sẽ giúp giảm khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung nhà ở", Chủ tịch Keppel Land Việt Nam nêu quan điểm.

Khuyến nghị giải pháp cho câu chuyện nguồn cung, vị này nói rằng ngoài việc tạo nguồn cung mới một cách kịp thời, việc đảm bảo rằng các tòa nhà cũ vẫn phù hợp với thị trường cũng không kém phần quan trọng.

Dẫn ví dụ tại Hà Nội và TP.HCM, ông Joseph Low cho rằng, không khó để nhận thấy sự hiện diện của vô số tòa nhà cũ, xuống cấp và không được sử dụng đúng mục đích trong các khu vực trung tâm. Những hình ảnh này là sự lãng phí cho những nỗ lực của chúng ta trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã trải qua trong nhiều thập kỷ qua.

Lý do là, mặc dù Luật Kinh doanh Bất động sản hiện tại ở Việt Nam cho phép bán chung hoặc tái phát triển các khu đất cũ sau khi nhận được sự đồng thuận từ ít nhất 75% chủ sở hữu, tuy nhiên, các quy định và yêu cầu quản lý hiện tại khá phức tạp.

"Hơn nữa, quá trình này yêu cầu sự cộng tác chặt chẽ giữa nhiều cơ quan và đơn vị hành chính. Những yếu tố này, cùng với khoản bồi thường cho mục đích tái định cư, đã không tạo một môi trường thuận lợi cho chủ đầu tư tiến hành công việc khổng lồ như vậy", ông Joseph Low nói thêm.

Đồng thời, vị chuyên gia nhận định, nếu Chính phủ có thể tiến hành một nghiên cứu để xem xét quy trình tái phát triển và đưa ra các chính sách khuyến khích, ví dụ như tặng một phần diện tích trong các khu đất cũ, điều này sẽ khuyến khích các chủ đầu tư cải tạo những tòa nhà cũ.

Hà Nội và TP.HCM có nhiều khu chung cư cũ xuống cấp cần cải tạo, xây mới.

Hà Nội và TP.HCM có nhiều khu chung cư cũ xuống cấp cần cải tạo, xây mới.

"Những nỗ lực này có thể giúp Chính phủ tối ưu hóa việc sử dụng đất ở khu vực trung tâm, cung cấp đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu thị trường, duy trì các tiêu chuẩn và kiểm soát về đất đai, và đồng thời nâng cao chất lượng cảnh quan của thành phố", Chủ tịch Keppel Land nhấn mạnh và cho rằng, đây là những vấn đề mà Chính phủ có thể cân nhắc thúc đẩy cùng với các nhà đầu tư trong ngành bất động sản, để đạt được sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển của quốc gia và bảo vệ môi trường.

Phát triển thị trường bất động sản xanh

Ông Joseph Low cũng nhận định, lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng đầu tiên trong hành trình hướng tới môi trường bền vững vì lĩnh vực này tạo ra khoảng 40% tổng lượng phát thải toàn cầu.

Trong đó, carbon hoạt động, tức là carbon được phát thải từ một tòa nhà đang được sử dụng, chiếm gần 70% tổng lượng phát thải carbon mà lĩnh vực bất động sản tạo ra; 30% còn lại của lượng phát thải carbon trong ngành bất động sản đến từ khí thải carbon ngầm mà tòa nhà thải ra trong quá trình xây dựng và hủy bỏ.

"Tôi nghĩ rằng, mục tiêu phát triển thị trường bất động sản xanh là bền vững. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu chưa thể có một hệ thống hạ tầng mới, đồng bộ thì có thể cải tạo các sản phẩm cũ theo tiêu chí mới hiện có để hướng tới phát triển bền vững, đưa ra mục tiêu để cải tiến thiết bị ít tiêu thụ năng lượng hơn", nhà đầu tư đến từ Singapore chia sẻ.

Tại Keppel, ông Joseph Low cho biết, Tập đoàn đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng với một cách tiếp cận mới. Khó khăn với công trình cũ là khó áp dụng công nghệ mới nhưng phải cố gắng để hướng tới đạt hiệu quả về sử dụng năng lượng. Doanh nghiệp cũng đề ra mục tiêu phải tích hợp tất cả để giảm thiểu việc thất thoát năng lượng và đảm bảo làm mát, giảm sử dụng năng lượng.

"Đó là cách tiếp cận để có công trình xanh hơn", Chủ tịch Keppel Land Việt Nam chia sẻ và nhấn mạnh, điều này rất cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng và các đối tác; trong đó, sự hỗ trợ từ Chính quyền địa phương là cần thiết để kết hợp đưa ra tiêu chuẩn mới, bền vững cho các toà nhà thương mại của Việt Nam.

Dưới góc độ nhà đầu tư bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài này muốn có sự đồng hành của chính quyền, cần có tiêu chí rõ ràng được đưa ra từ cơ quan quản lý; cụ thể là các sáng kiến của họ sẽ được xem xét thông qua, giúp mở rộng cơ hội của nhà đầu tư; thời gian vận hành sẽ được kéo dài hơn để nhà đầu tư tư nhân hoàn vốn; kỳ vọng những dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ có tương lai bền vững...

Cam kết giảm phát thải carbon trong môi trường xây dựng

Chia sẻ với báo Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội nghị, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam cho biết, đóng góp vào hành trình tiến tới "net zero" của Việt Nam vào năm 2050, Keppel cam kết góp phần giảm phát thải carbon trong môi trường xây dựng.

Ông Joseph Low

Ông Joseph Low

Cụ thể, tập đoàn này đã loại bỏ dần việc sử dụng các thiết bị chạy bằng dầu diesel không cần thiết, đặt mục tiêu đạt được các chứng nhận công trình xanh cho các dự án thương mại mới, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà hiện hữu bằng cách tối ưu hoá năng lượng, chiến lược số hóa thông tin, tối đa hóa năng lượng tái tạo tại chỗ và mua chứng chỉ năng lượng tái tạo...

"Là một phần trong chiến lược bền vững của Keppel, chúng tôi đã tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Các tấm pin quang điện được lắp đặt tại các dự án thương mại và nhà ở của Keppel tại Việt Nam đã tạo ra hiệu suất năng lượng gần 150.000 kWh trong 3 năm qua", ông Joseph Low nói.

Cụ thể, một dự án đáng chú ý thể hiện cam kết này là The Estella, dự án phát triển nhà ở đầu tiên của Keppel tại Việt Nam được nhận Giải Vàng Green Mark của BCA (Cục Quản lý Xây dựng Singapore).

Công trình này sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà, sử dụng sơn có hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thấp và gỗ composite ít phát thải formaldehyde. Đồng thời, dự án được chú trọng từ khâu thiết đến xây dựng để luôn được thông gió tự nhiên.

Tin bài liên quan