Chủ tịch MB: Cần phải tăng cả số lượng và chất lượng nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB - mã chứng khoán MBB) cho rằng, để thị trường chứng khoán phát triển, bên cạnh các giải pháp mà UBCK đưa ra, cũng cần phải tăng quy mô của thị trường, tăng số lượng song song với tăng chất lượng của cả doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư tham gia thị trường.

Tại Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 28/2, ông Thái chia sẻ, trong năm 2023, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, ban hành nhiều chính sách kinh tế kích thích người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường…

Tăng trưởng GDP trong năm 2023 đạt 5,05%, mức khá cao so với tình hình chung của các nước trên thế giới, đồng thời kiểm soát lạm phát ở mức thấp 3,25%, thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng FDI tăng khá cao, ở mức 32,1%, tỷ lệ thất nghiệp ghi nhận thấp 2,28%, giảm so với 2022.

Tăng trưởng tín dụng đạt 13,7%; điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối, lãi suất được điều chỉnh giảm xấp xỉ 2% so với năm 2022; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Những yếu tố trên đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán tăng trưởng khá tích cực (VN-Index tăng 12%, vốn hóa toàn thị trường ghi nhận tăng 14%...).

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB tham luận về "Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp" - Ảnh: VGP
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB tham luận về "Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp" - Ảnh: VGP

Với ngành chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức. Chuẩn hóa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ từ tháng 7/2023 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, là cơ sở phát triển thị trường TPDN theo hướng minh bạch, lành mạnh, bền vững; giúp thị trường TPDN tại Việt Nam ổn định và phát triển trở lại. Đồng thời, xử lý nghiêm các vụ việc, minh bạch hóa thị trường chứng khoán; Chuyển đổi số và bước đầu triển khai tích hợp dữ liệu ngành chứng khoán với dữ liệu quốc gia để nâng cao quản lý tài khoản, giao dịch chứng khoán.

Để thị trường chứng khoán phát triển, bên cạnh đồng tình với các giải pháp mà Chủ tịch UBCK đã nêu tại hội nghị, ông Thái kiến nghị phải tăng quy mô của thị trường, tăng số lượng song song với tăng chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, tăng cả số lượng và chất lượng nhà đầu tư tham gia trên TTCK. Nâng cấp hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.

"Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp như sau. Thứ nhất là để tăng khả năng thu hút vốn của các doanh nghiệp niêm yết thì cần phân loại xếp hạng các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, tính minh bạch, tuân thủ công bố thông tin. Thứ hai, chú trọng áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết trên thị trường trong thời gian qua tăng khá thấp so với tiềm năng của thị trường", ông Thái kiến nghị.

Ông Thái cho biết thêm, MB đã tham gia thị trường chứng khoán 13 năm (niêm yết tại HOSE từ 01/11/2011). Từ đó đến nay, MB đã thu hút được nguồn vốn phục vụ cho phát triển và tăng trưởng. Vốn hoá của Ngân hàng tính ở thời điểm hiện tại đạt trên 120.000 tỷ đồng với 150.000 cổ đông. MB triển khai thành công các phương án phát hành cổ phiếu (thông qua trả cổ tức hàng năm, phương án riêng lẻ) để bổ sung và tăng quy mô vốn điều lệ và các phương án phát hành TPDN để tăng nguồn vốn kinh doanh, vốn cấp 2. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng các quy định, yêu cầu về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Tin bài liên quan