Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Chủ tịch Tập đoàn Dabaco: Cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, kinh tế tư nhân đã chứng minh được là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Do đó, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác.

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng nay (30/10), Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.

Vị đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco này cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Mặc dù thời gian qua, có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định.

Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Nhà nước cần đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, mang lại thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…

“Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”, ông So khẳng định.

Cũng theo vị đại biểu tỉnh Bắc Ninh, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường.

“Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt”, ông So nói.

Tin bài liên quan