Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa: Tăng trưởng kinh tế lấy hạnh phúc của người dân làm trọng tâm

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu xuyên suốt của tỉnh là tăng trưởng kinh tế lấy hạnh phúc của người dân làm trọng tâm

Thưa ông, năm 2020 là một năm khó khăn do thiên tai và dịch bệnh, nhưng tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể khái quát một số thành tích của tỉnh?

Covid-19 như phép thử khắc nghiệt đối với nền kinh tế cũng như vai trò lãnh đạo điều hành của chính quyền. Nhờ thực hiện đồng bộ và quyết liệt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết quả năm 2020, Đồng Tháp duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 3,45%. Dù chưa đạt mục tiêu kế hoạch, nhưng đây là mức tăng trưởng rất tốt trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (xếp thứ 3).

Năm 2020, Đồng Tháp có thêm 610 doanh nghiệp mới thành lập, đi vào hoạt động, tăng 17% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu duy trì trên 1 tỷ USD (xuất khẩu thủy sản đạt 720 triệu USD, gạo đạt 148 triệu USD). Nhiều sản phẩm của Đồng Tháp được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng. Ngoài ra, Đồng Tháp đã thực hiện mô hình Tổng đài 1022 và nhiều mô hình cải cách hành chính được xem là điển hình của cả nước, góp phần duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR), Chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index).

Được biết, Đồng Tháp theo đuổi mục tiêu xuyên suốt là phát triển kinh tế - xã hội lấy hạnh phúc của người dân làm trọng tâm. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Nhiệm kỳ 2015 - 2020 ghi dấu những nỗ lực của tỉnh trên hầu hết các lĩnh vực. Đáng chú ý là chất lượng cuộc sống của người dân đã không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 47,5 triệu đồng, tăng gần 1,6 lần so với năm 2015 và gấp 3,4 lần so với năm 2010. Trong đó, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước 2,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ còn 1,28%, an sinh xã hội được chú trọng thực hiện.

Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ thật sự có ý nghĩa khi nâng cao được đời sống người dân. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, mà tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đồng Tháp sẽ tập trung vào những nhiệm vụ đột phá quan trọng nào nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đất sen hồng, đóng góp vào sức bật tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong thời gian tới?

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đồng Tháp sẽ khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng trên các lĩnh vực gắn với xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trong định hướng chiến lược phát triển của tỉnh.

Cụ thể, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; tăng cường kiểm soát quyền lực gắn với kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động Nhà nước và của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng, quyết định cho việc đầu tư phát triển của toàn Vùng. Đây cũng là cơ hội để Đồng Tháp và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá trong thời gian tới.

Tin bài liên quan