Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCK trả lời báo chí bên lề Lễ Đánh cồng Khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn 2024

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCK trả lời báo chí bên lề Lễ Đánh cồng Khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn 2024

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước: Nỗ lực cao nhất để nâng hạng thị trường, cần sự chung tay của nhiều bên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.

Chia sẻ bên lề Buổi lễ Đánh cồng Khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) sáng ngày 19/2/2024, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCK cho biết, nâng hạng TTCK là chủ trương chung và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua. Nội dung này cũng đã được nêu tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ và đưa vào Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mới đây nhất, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Bà Phương cho biết, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí quan trọng do các tổ chức xếp hạng quốc tế đề ra. Theo đó, UBCK tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành; đồng thời tổ chức gặp gỡ, làm việc ở trong và ngoài nước với các tổ chức xếp hạng quốc tế, các định chế tài chính quốc tế lớn và các thành viên thị trường để cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc trong công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Những vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ.

Song song với việc hoàn thiện các tiêu chí chính của các tổ chức xếp hạng quốc tế, UBCK tiếp tục hoàn thiện quy định trong nước trên cơ sở nghiên cứu các quy định và thông lệ quốc tế để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư quốc tế và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

TTCK trong nước năm 2024 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn so với năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCK

“Chúng ta phải khẳng định, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan”, bà Chân Phương nói.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng còn phụ thuộc vào sự trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam, nên rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…

Tiếp tục kết nối dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là một trong những hoạt động quan trọng

Các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài là một trong các hoạt động thường niên của Bộ Tài chính nói chung và UBCK nói riêng, được bắt đầu triển khai từ năm 2014. Các chương trình xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng TTCK Việt Nam tới cộng đồng đầu tư quốc tế giúp kích cầu và khơi thông nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK Việt Nam.

Theo bà Phương, sau 3 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, năm 2023, UBCK đã tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt các chương trình tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư được lồng ghép trong khuôn khổ các chương trình công tác nước ngoài của Lãnh đạo Bộ Tài chính và UBCK.

“Thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài tại châu Âu, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ trong năm 2023 đều cho thấy sự quan tâm, tham gia tích cực của cộng đồng các nhà đầu tư tại nước sở tại, bao gồm các tổ chức tài chính lớn, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng thị trường kinh doanh sang Việt Nam”, bà Phương nói.

Năm 2024 này, trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được của các năm trước, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam; đồng thời tăng cường kết nối, xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý TTCK, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới.

Trước mắt, dự kiến trong tháng 3 tới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK đang phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Trưởng đoàn công tác.

Ưu tiên các giải pháp để thị trường phát triển ổn định, minh bạch, bền vững

Theo người đứng đầu UBCK, TTCK luôn phụ thuộc vào yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Diễn biến của TTCK là phản ánh tổng hòa của các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, sức khỏe của doanh nghiệp… qua lăng kính, niềm tin và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường. Chính vì vậy, diễn biến TTCK trong thời gian tới tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính sách tiền tệ thắt chặt đã dần tái cân bằng tổng cầu về mức sản lượng tiềm năng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa đã giảm bớt. Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm dần và trở về gần mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào năm 2024. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở một số quốc gia, khu vực, nền kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính quốc tế được dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Lạm phát toàn cầu tuy đã được kiểm soát nhưng lạm phát cơ bản được dự báo sẽ vẫn ở mức cao, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế.

Dự kiến trong tháng 3 tới, UBCK sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, theo bà Phương, TTCK trong nước năm 2024 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn so với năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chủ động, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay; ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp...

Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực, từ đó, tạo điều kiện tốt hơn cho sức khỏe doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi. Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, duy trì tốc độ hồi phục nhanh, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đó, để phát triển TTCK an toàn, bền vững, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, bà Phương cho biết, UBCK sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Trước mắt, được sự chấp thuận của Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCK đang khẩn trương chuẩn bị Hội nghị Phát triển TTCK năm 2024. Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, sự tham gia và chia sẻ ý kiến của đại diện các bộ, ngành, các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp niêm yết và các thành viên thị trường.

Đối với các giải pháp thường xuyên của năm 2024, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 hiệu quả.

Đồng thời, UBCK sẽ tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng xu hướng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, vừa tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các định chế thị trường và nhà đầu tư tham gia.

Cùng với đó, UBCK sẽ tiếp tục tái cấu trúc TTCK dựa trên các trụ cột chính đã đề ra, trong đó, chú trọng tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề chứng khoán; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường, cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, xử lý kịp thời, nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.

"Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng. Mặt khác, sẽ tập trung công tác chuẩn bị cho Hội nghị UBCK các nước của Tiểu khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2025", bà Phương nói.

Tin bài liên quan