“Chưa thấy công ty nào nhiều đơn nặc danh như STT”?

(ĐTCK) Một cổ đông của STT đã phát biểu ngay tại Đại hội rằng, chưa thấy công ty nào nhiều đơn thư nặc danh như vậy, thậm chí có cả cổ đông là cán bộ công ty trên bàn rượu còn tự hào đã phá công ty ra sao.
“Chưa thấy công ty nào nhiều đơn nặc danh như STT”?

Sau nhiều tháng bất ổn về nhân sự, ngày 8/10, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) đã tổ chức xong ĐHCĐ thường niên, bầu bổ sung 4/5 thành viên HĐQT. Đại hội bắt đầu từ 8h sáng và tranh cãi đến tận 3h chiều mới thông qua được Nghị quyết.

Ngay từ đầu phiên họp, mọi chương trình, thủ tục… đều bị mổ xẻ, vặn vẹo. Chẳng hạn, chỉ việc cô thư ký của HĐQT có mặt trong Ban kiểm phiếu cũng khiến Đại hội tốn 2h đồng hồ để tranh cãi, biểu quyết.

Ông Phạm Tuấn Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cho rằng, Thư ký HĐQT kiểm phiếu thì không khách quan và đề xuất thay bằng bà Huỳnh Thanh Diễm Trang, Kế toán trưởng, mới đủ trình độ chuyên môn (?).

Nhiều cổ đông đã phản ứng vì thái độ gây khó dễ này và cho rằng, Ban kiểm phiếu có 6 người, làm việc tập thể và không cần thiết phải chẻ hoe như vậy. Cuối cùng, sau nhiều thời gian ý kiến, biểu quyết…, Ban kiểm phiếu mới được thông qua gồm 6 người như Đoàn chủ tịch giới thiệu và thêm 1 cổ đông sẽ tham gia giám sát.

Thay vì thảo luận các nội dung, tờ trình rồi mới bầu cử như các đại hội khác, ĐHCĐ STT bầu cử các thành viên HĐQT trước. Có 6 ứng viên tranh cử vào 4 vị trí HĐQT, trong đó có 2 ứng viên Nhật Bản.

Cụ thể, ông Kakazu Shogo, từng làm việc ở các vị trí quản lý tại CTCK New-S Securities Co (Tokyo, Nhật Bản). Từ năm 2011 đến nay, ông Kakazu giữ vị trí CEO và là người sáng lập Skirr Japan. Từ 1/9/2014, ông này được lựa chọn cho vị trí CEO STT trong bối cảnh sóng gió hiện nay.

Các ứng viên còn lại là ông Ryotaro Ohtake, hiện là Giám đốc All Corporation Co và có kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn ở Hawaii (Hoa Kỳ); Ông Nguyễn Văn Hồng, cổ đông sở hữu 16% vốn, hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Giao nhận Phước An; Ông Phạm Hải Đăng hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Trường Phúc, một công ty đầu tư tài chính và kinh doanh bất động sản.

Hai ứng cử viên khác là ông Lê Thành Long, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề bán công và ông Trần Mạnh Trí, Giám đốc Trung tâm dạy nghề bán công. Đây là một trung tâm trực thuộc STT. Theo tìm hiểu của ĐTCK, trung tâm này năm 2011 từng bị thanh tra toàn diện, dẫn đến bị đình chỉ hoạt động đến giữa năm 2012. Năm 2013, Trung tâm lỗ 1 tỷ đồng.

Trước khi cổ đông bỏ phiếu, ứng viên Lê Thành Long đã "cướp diễn đàn" nhằm bày tỏ sự bức xúc về thực trạng thua lỗ, ăn vào vốn chủ của Công ty.

Đại diện ủy quyền của cổ đông Vũ Việt Cường bức xúc ngắt lời ứng viên Lê Thành Long và cho rằng, ông Long đã biến đại hội thành nơi đấu tố. Cổ đông này cho biết, trước nguy cơ cổ phiếu biến thành giấy lộn, điều các cổ đông quan tâm nhất là ứng viên đưa ra được chương trình hành động, kế hoạch kinh doanh... làm sao để Công ty thoát lỗ trong 4 tháng ngắn ngủi tới, bởi Công ty đã thua lỗ 2 năm liên tiếp và 8 tháng đầu năm nay tiếp tục lỗ nên nguy cơ bị hủy niêm yết cao. “Đại hội không phải là những màn chỉ trích cá nhân mấy đời cựu lãnh đạo”, ông Cường nói.

Trước đại hội, số cổ phần có được hoặc vận động được để bầu cho 5 ứng cử viên này tương đương nhau, mỗi ứng viên vào khoảng 5%. Riêng ứng cử viên Nguyễn Văn Hồng sở hữu số cổ phiếu chiếm 16,45% vốn điều lệ, chắc chắn có một vé vào HĐQT.

Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) đứng ngoài cuộc chạy đua bởi chủ trương thoái vốn khỏi STT đã được UBND TP. HCM phê duyệt, Tổng công ty này sẽ không đưa người vào giám sát, điều hành tại STT. Trong khi đó, lá phiếu của Saigon Tourist chiếm tới 29,1% vốn điều lệ, rất quan trọng với các ứng viên khác.

Cuối cùng, đến 12h30, sau nhiều lần kiểm tra chéo, cổ đông giám sát vì e ngại gian lận, Đại hội mới có kết quả kiểm phiếu. Theo đó, 4 ứng viên trúng cử vào HĐQT của Công ty gồm ông Kakazu Shogo, ông Ryotaro Ohtake, ông Nguyễn Văn Hồng, ông Trần Mạnh Trí.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, Saigon Tourist đã chia ba lá phiếu của mình, ủng hộ 2 ứng viên người Nhật Bản và 1 ứng viên Việt Nam.

Trong phần thảo luận, cổ đông Võ Văn Ba đã phát biểu thẳng thắn: “Chưa thấy công ty nào lục đục, có nhiều đơn thư nặc danh như ở đây. Nhiều người tuy nói là vì công ty, lo buồn vì thực trạng công ty, nhưng thực ra lại ngầm phá hoại. Thậm chí, ở bàn rượu còn tự hào đã phá công ty ra sao”.

Cổ đông này cũng hy vọng, với sự “thay máu”, có 4/5 thành viên HĐQT mới, Ban lãnh đạo sẽ có định hướng đúng đắn để giúp STT phát triển, thoát khỏi bờ vực hiện nay. 

Từ 1/7/2014, khi phát sinh mâu thuẫn nội bộ, đặc biệt là sự kiện HĐQT cũ muốn bán thanh lý tài sản khiến cổ đông bức xúc đến nay, cổ phiếu STT xuống giá ở mức thấp nhất là 2.900 đồng/CP. Trong 1 tháng gần đây, kể từ khi STT có Tổng giám đốc mới, giá cổ phiếu ổn định quanh mức 5.000 đồng/CP, giá cao nhất đạt 6.000 đồng/CP vào ngày 18/9.

Tin bài liên quan