Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 16/11 - Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 16/11 - Ảnh: quochoi.vn

Chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở Kỳ họp thứ 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp tục Chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, sáng nay (ngày 16/11), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp.

Trình bày báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến 49 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 16 ý kiến tranh luận tại Hội trường và 17 ý kiến góp ý bằng văn bản, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung tại dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH và các cơ quan, Thường trực Uỷ ban Kinh tế báo cáo UBTVQH tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số nội dung còn 02 phương án.

Về phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường ngày 03/11/2023, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, ý kiến ĐBQH về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường cho thấy, có 05/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó, 06/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong trong dự thảo Luật.

"Vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này", ông Thanh nêu quan điểm.

Điều hành nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, nhiều vấn đề cụ thể đã được quy định chi tiết, cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Chất lượng dự án Luật đã được nâng lên một bước rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn 22 nội dung còn có phương án khác nhau, cần xin ý kiến…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 16/11 - Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 16/11 - Ảnh: quochoi.vn

Về các nội dung còn các phương án khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các cơ quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi ý một số định hướng tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai; đồng thời nhấn mạnh đối với các vấn đề có 02 phương án xin ý kiến, đề nghị rút gọn lại thành một phương án, trong đó nêu rõ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến Chính phủ về các nội dung này.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng với đó nhất trí với quan điểm những gì xử lý được thì xử lý…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua lấy ý kiến của nhân dân, các phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường và tổ đã lọc ra được những vấn đề này. Tuy nhiên, do thời gian phát biểu ở hội trường và tổ cũng không nhiều, nhiều nội dung chưa được phát biểu, đề cập đến. Do vậy, cần phải tổng hợp thêm các nội dung để đảm bảo được tính toàn diện.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã giúp UBTVQH tiếp thu, giải trình và báo cáo các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời bày tỏ đồng tình các phương án như Chủ tịch Quốc hội đã phân tích và Ủy ban Kinh tế phân tích.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành phương án lùi thông qua dự thảo Luật Đất đai đến kỳ họp sau.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành phương án lùi thông qua dự thảo Luật Đất đai đến kỳ họp sau.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự án luật này nhận được sự quan tâm của rất nhiều ĐBQH. Tại Kỳ họp thứ 6 thảo luận tại hội trường, có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận và 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu. Điều này chứng tỏ dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo đề xuất của Ủy ban Kinh tế là chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, việc chưa thông qua tại Kỳ họp này nhằm tiến hành thận trọng, thực hiện theo Kết luận 19 của Bộ Chính trị.

"Kết luận 19 của Bộ Chính trị nêu rõ, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng", ông Cường nhấn mạnh và bày tỏ tán thành việc điều chỉnh thời gian trình Quốc hội thông qua Luật này từ Kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp tiếp theo để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH hoàn chỉnh một cách chắc chắn, thận trọng.

Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong 08 vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra nhưng trong Báo cáo nêu có 02 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống nhất với phương án mà Chủ tịch Quốc hội đề cập. Nếu trong UBTVQH có những ý kiến khác thì phát biểu, còn nếu không có ý kiến khác thì nên chuyển sang nội dung khác.

Với phần ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật viết 01 câu trong Nghị quyết chung là nếu chưa thông qua thì tiếp tục hoàn chỉnh để UBTVQH xem xét, thông qua ở kỳ họp sau.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Phát biểu tiếp thu giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất với cách đặt vấn đề, cho ý kiến tại Phiên họp và cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.

Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ họp và thống nhất quan điểm đối với những nội dung còn 02 ý kiến và giải trình rõ.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp hiệu quả trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý những vấn đề đại biểu nêu trình UBTVQH cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đối với các nội dung đã được trình xin ý kiến các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã đạt được tinh thần đồng thuận, thống nhất cao, cơ bản UBTVQH cũng thống nhất như báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đã nêu; đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, biên tập hoàn thiện dự thảo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 16/11

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 16/11

UBTVQH cũng thống nhất đối với 6 nội dung đã tiếp thu gọn lại còn 01 phương án.

Đối với những nội dung có hai phương án, trong đó UBTVQH chọn phương án 1 như trong báo cáo giải trình do Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lập luận kỹ hơn, xin ý kiến Chính phủ bằng văn bản, sau khi có ý kiến đồng thuận của Chính phủ sẽ trình một phương án để trình Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.

Đối với những nội dung thiết kế thành 2 phương án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ từng phương án như thế nào; đồng thời yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, hệ trọng nên cần đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu; Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật; Ủy ban Kinh tế tham mưu UBTVQH xin ý kiến Chính phủ đối với những nội dung đã được thảo luận tại Phiên họp này.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng 29/11, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ 6.

Tuy nhiên, như Báo Đầu tư Chứng khoán đã thông tin, tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định, nhiều vấn đề vẫn còn có ý kiến khác nhau, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Đồng ý với đề xuất của Thường trực Ủy ban Kinh tế về việc lùi thời gian thông qua Dự thảo đến kỳ họp gần nhất của Quốc hội, ông Huệ yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo giải trình để báo cáo Quốc hội; đồng thời lưu ý, nếu chuyển sang kỳ họp bất thường (dự kiến vào tháng 1/2024) thì thời gian chỉnh lý Dự thảo sẽ rất ngắn, vì kỳ họp này thường chỉ diễn ra trong 5 ngày.

Tin bài liên quan