Chứng khoán bùng nổ phiên cuối tuần, cổ phiếu bất động sản “tím lịm”

Chứng khoán bùng nổ phiên cuối tuần, cổ phiếu bất động sản “tím lịm”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường khép lại phiên giao dịch cuối tuần khá ấn tượng khi các mã đua nhau tăng tốc mạnh mẽ, đã giúp VN-Index tiếp tục xác lập vùng đỉnh mới 1.225 điểm cùng thanh khoản bùng nổ.

Trái với sự lo ngại của giới phân tích về xu hướng thị trường đang có những dấu hiệu không mấy khả quan sau phiên đột ngột giảm sâu hôm qua (ngày 3/8), thị trường đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh và tăng khá tốt trong phiên sáng 4/8 nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là sự đóng góp lớn của VIC.

Không chỉ dừng lại ở những mã đầu ngành, những cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm này cũng đua nhau tăng tốc, trong đó thông tin về “giải cứu” dự án bất động của Novaland, Hưng Thịnh…, đã giúp các mã NVL, HTN cũng tăng mạnh mẽ lên trần hoặc sát trần.

Sự hưng phấn ở nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục được tiếp lửa trong phiên chiều. Lực cầu gia tăng mạnh mẽ đã giúp các mã trong ngành đua nhau tăng vọt và khoe sắc tím, đồng thời cũng lan sang các nhóm ngành khác.

Trên thị trường chỉ còn một vài nhóm cổ phiếu nhỏ lẻ điều chỉnh nhẹ, đã giúp VN-Index “bốc đầu” ghi nhận mức tăng hơn 15 điểm, tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới. Đồng thời, thanh khoản tiếp tục ghi nhận phiên sôi động với hơn 23.000 tỷ đồng giao dịch trên sàn HOSE.

Đóng cửa, sàn HOSE có 343 mã tăng và 127 mã giảm, VN-Index tăng 15,03 điểm (+1,24%) lên 1.225,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,13 tỷ cổ phiếu, trị giá 23.094 tỷ đồng, tăng 9,7% về khối lượng và 6,84% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,64 triệu đơn vị, giá trị 1.017,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 7 mã giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm đều chưa đến 1%, trong đó SAB và VCB giảm mạnh nhất khi để mất 0,6%.

Ở chiều ngược lại, những cái tên trong nhóm bất động sản là tâm điểm chính, với VIC và NVL tăng tốt nhất khi đều đóng cửa tại mức giá trần. Trong đó, NVL khớp lệnh khủng với 79,46 triệu đơn vị giao dịch thành công và dư mua trần tới hơn 5,72 triệu đơn vị; còn anh cả VIC tiếp tục xác lập mức giá cao nhất là 62.200 đồng/CP, cùng thanh khoản bùng nổ lên tới gần 20,54 triệu đơn vị.

Ngoài sự đóng góp lớn của VIC, “người anh em” VHM cũng hỗ trợ tốt cho chỉ số chung của thị trường khi kết phiên tăng 4,8% lên mức 63.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,67 triệu đơn vị.

Với đà tăng mạnh mẽ của các cổ phiếu đầu ngành, nhóm bất động sản tiếp tục nới rộng biên độ và tiếp tục là nhóm tăng mạnh nhất thị trường. Trong đó, một số mã ấn tượng khác như HQC tăng trần với thanh khoản chỉ thua NVL khi khớp 43,28 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 3,52 triệu đơn vị; TCH giữ vững sắc tím với thanh khoản đột biến đạt 24,45 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị; HTN tăng trần, HPX chỉ giao dịch phiên chiều nhưng cũng đóng cửa tại mức giá trần với thanh khoản sôi động, đạt 9,59 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 4,87 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã khác trong ngành cũng có được mức tăng tốt khác như PDR tăng 4,9% và khớp 28,7 triệu đơn vị, DIG tăng 5,1% và khớp 35,29 triệu đơn vị, KHG, NBB, HAR, NLG, LDG… đều tăng hơn 4%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu cùng nhịp đập thị trường là chứng khoán cũng đua nhau bùng nổ. Trong đó, VND tăng ấn tượng hơn 4% với thanh khoản sôi động nhất nhóm đạt 26,37 triệu đơn vị, SSI tăng 2,81%, VCI tăng 2,69%, cùng phần lớn các cổ phiếu khác trong ngành ghi nhận mức tăng hơn 1%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu trụ cột chính là ngân hàng vẫn trong trạng thái phân hóa. Cụ thể, VCB, BID, HDB, OCB đều giảm nhẹ, đáng kể nhất là SSB bất ngờ đảo chiều giảm mạnh về cuối phiên khi để mất 4,13% xuống mức thấp nhất trong ngày.

Ấn tượng nhất dòng bank là pha tăng tốc mạnh mẽ của SHB nhờ lực cầu sôi động trong phiên chiều. Đóng cửa, SHB tăng 5,1% lên mức giá cao nhất trong ngày 13.300 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong năm nay (giá đã điều chỉnh sau khi chia tách), đồng thời thanh khoản cũng tăng vọt, đạt hơn 41,98 triệu đơn vị, gấp đôi so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây của cổ phiếu này.

Các mã khác trong nhóm ngân hàng cũng có phiên tăng mạnh như ACB quay xe tăng 4,1% lên mức cao nhất ngày 24.400 đồng/CP, EIB tăng 5,8% lên 23.800 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 15-20 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng nới rộng biên độ trong phiên chiều với đồng lực chính đến từ đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 120 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 2,64 điểm (+1,1%) lên 242,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 106,35 triệu đơn vị, giá trị 1.808 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,7 triệu đơn vị, giá trị 22,97 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã là DVM, DTD, LHC, SLS giảm nhẹ trên dưới 1%, trong khi có tới 24 mã tăng với HUT tăng tốt nhất là 4,2%, tiếp theo là PVS tăng 3,9% và VIG tăng 3,8%...

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu bất động sản trên sàn HNX cũng không nằm ngoài xu hướng chung, trong đó CEO tăng 3,1% lên mức 19.900 đồng/CP và khớp 11,93 triệu đơn vị, IDJ tăng 6% lên 7.100 đồng/CP và khớp hơn 5 triệu đơn vị, NRC tăng 4,3%, TIG tăng 3,3%, APII tăng 4,6%...

Ở nhóm chứng khoán, đà tăng cũng nới rộng hơn, trong đó, SHS tăng 1,3% và khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 17,33 triệu đơn vị, MBS tăng 2%, APS tăng 2,7%...

Trên UPCoM, dù thị trường có chút rung lắc nhẹ ngay khi mở cửa phiên chiều, nhưng tín hiệu tích cực từ thị trường niêm yết đã lan tỏa giúp UPCoM-Index cũng sớm tìm được tiếng nói chung.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,68 điểm (+0,75%), lên 91,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 101,62 triệu đơn vị, giá trị 1.215,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,19 triệu đơn vị, giá trị 186,84 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý nhất trên UPCoM là cổ phiếu C4G với pha quay xe ngoạn mục sau nhịp rung lắc và giảm nhẹ trong phiên sáng. Lực cầu tăng mạnh mẽ trong phiên chiều đã giúp C4G bốc đầu và có thời điểm tăng tới gần 12%. Kết phiên, C4G tăng 8,3% lên mức 15.700 đồng/CP với giao dịch bùng nổ, lên tới hơn 15,12 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường khi bỏ xa BSR chỉ khớp 8,21 triệu đơn vị.

Tương tự, G36 cũng đảo chiều khởi sắc thành công và đóng cửa tăng 3,8% lên mức giá cao nhất trong ngày 10.800 đồng/CP và khớp 2,86 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác như SBS tăng 2,4%, DDV tăng 3,6%, VEA tăng 3%, với thanh khoản đều thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt hơn 4-5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng mạnh, với VN30F2308 tăng 26,2 điểm, tương đương +2,2% lên 1.234,6 điểm, khớp lệnh 195.548 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.360 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm đa số, với CFPT2210 có thanh khoản tốt nhất với 1,85 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 880 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2309 khớp 1,25 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,7% lên 2.100 đồng/cq.

Tin bài liên quan