Cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ mang lại tiền bạc cho nhà đầu tư nửa cuối năm

Cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ mang lại tiền bạc cho nhà đầu tư nửa cuối năm

Cổ phiếu ngân hàng, đà tăng vẫn tiếp diễn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù chỉ số cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng 20% trong nửa đầu năm 2023, nhưng đây vẫn là một lựa chọn đáng chú ý cho câu chuyện đầu tư 6 tháng cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ khởi sắc

Đa phần diễn biến tích cực của ngành ngân hàng đến từ giữa tháng 5, khi đà giảm của lãi suất được hình thành rõ nét. Cùng với những nỗ lực của cơ quan quản lý qua 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng thương mại giảm từ 2 - 3%/năm. Tuy nhiên, đa phần cổ phiếu ngân hàng đều đang giao dịch ở mức thấp hơn so với định giá trung bình 3 năm gần đây (định giá theo giá trị sổ sách). Vì vậy, cổ phiếu ngân hàng là một lựa chọn đáng chú ý cho câu chuyện đầu tư 6 tháng cuối năm do hưởng lợi từ đà giảm của lãi suất, cũng như kỳ vọng về chu kỳ phục hồi của nền kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm. Kết quả này chưa bằng một nửa so với con số tăng trưởng 9,4% cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu khoảng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm. Tăng trưởng tín dụng chậm, chủ yếu xuất phát từ một số nguyên nhân chính như sau.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MBS

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MBS

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam giảm tốc rõ nét trong hai quý đầu năm với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72%. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong vòng 10 gần đây, chỉ cao hơn mức tăng trưởng 1,7% của cùng kỳ năm 2020 khi Covid-19 bùng phát. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng 4,7%, trong đó vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,1%. Vì vậy, có thể nói, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang suy yếu.

Thứ hai, thị trường bất động sản, một khu vực truyền thống thu hút nguồn vốn tín dụng, vẫn tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm. Tín dụng cho tiêu dùng bất động sản giảm 1,3%, trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 15%.

Thứ ba, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm bình quân từ 1 - 2% so với thời điểm cuối năm 2022 theo đà cắt giảm của lãi suất điều hành, nhưng mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn còn khá cao, chưa thể kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Nguyên nhân cuối cùng liên quan đến chất lượng tín dụng. Mặc dù tỷ lệ xấu nội bảng toàn ngành vẫn được kiểm soát ở mức dưới 3% vào cuối quý I/2023, song xu hướng đang tăng lên. Một vài ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên 3%, do đó các ngân hàng buộc phải cân nhắc trong các quyết định cho vay, cũng như duy trì chất lượng tín dụng.

Nhìn về nửa cuối năm 2023, tín dụng tăng tốc nhanh hơn dựa trên một số yếu tố tích cực sau: Xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 6/2023, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 8,85 tỷ USD, tăng 8,2% (672 triệu USD) so với nửa cuối tháng 5/2023. Lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Các chính sách tài khoá như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng nửa đầu năm tăng 4,2%, đạt quy mô tương đương dư nợ tín dụng, có nghĩa là thanh khoản dồi dào để các ngân hàng có thể cho vay.

Cơ hội không chia đều cho tất cả

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều triển vọng trong nửa cuối năm, nhưng cơ hội không chia đều cho tất cả. Đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư nên cân nhắc về chất lượng tài sản nhiều hơn là tăng trưởng.

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất - kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng sẽ trở nên gay gắt hơn. Nhìn từ kết quả kinh doanh quý I/2023, mức độ phân tán tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng đang khá lớn, có 7 trên 25 ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng trưởng âm, trong khi có 6 ngân hàng đạt mức tín dụng từ 9% trở lên. Điều này chứng tỏ một số ngân hàng vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành do tập trung vào những ngành nghề khác nhau cũng như cơ cấu khách hàng khác nhau.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh cho vay các doanh nghiệp tốt cũng sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng. Trên cơ sở đó, những ngân hàng nào cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn sẽ là những ngân hàng có lợi thế.

Trong những tháng đầu năm, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của hệ thống giảm mạnh do khách hàng chuyển dịch mạnh mẽ sang tiền gửi có kỳ hạn. Đa phần các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận tỷ lệ CASA giảm từ 2 - 5% so với đầu năm, có ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này giảm đến 9%. Ngoài ra, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4/2023, tổng các phương tiện thanh toán tăng 1,7% so với đầu năm, nhưng đa phần được thúc đẩy bởi tiền gửi của dân cư (tăng gần 8%), trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 5%. Điều đó cho thấy, một số ngân hàng vốn hưởng lợi từ dòng tiền của tổ chức đang giảm bớt lợi thế chi phí vốn rẻ. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng vốn có lợi thế tiền gửi dân cư sẽ vẫn duy trì được tỷ lệ thanh khoản (LDR - cho vay/tổng huy động) dồi dào, phục vụ cho việc mở rộng tín dụng.

Cân nhắc về chất lượng tài sản nhiều hơn là tăng trưởng

Theo số liệu báo cáo hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023, so với mức 2% vào cuối năm 2022. Nợ nhóm 2 cũng có xu hướng tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ. Gia tăng nợ xấu phản ánh phần nào sự khó khăn của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, nhất là trong khu vực bất động sản.

Ngày 24/4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số điều kiện cụ thể trong thời hạn một năm kể từ ngày được cơ cấu lại nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính được tiếp cận nguồn vốn vay mới để tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh… Việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh khó tiếp cận được các nguồn vốn (vốn vay/vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu).

Như vậy, về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, do đó, xu hướng tăng nợ nhóm 2 sẽ tiếp tục trong các quý tới. Vì vậy, bài toán khá nan giải đặt ra cho các ngân hàng khi phải kiểm soát chất lượng tài sản trong khi đẩy mạnh tín dụng. Do đó, tôi cho rằng, trong thời điểm này, nhà đầu tư cần cân nhắc giữa các yếu tố cơ hội và rủi ro. Những cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc, tỷ lệ nợ xấu thấp, có tỷ lệ dự phòng nợ xấu cao vẫn sẽ là lựa chọn cẩn trọng cho mục tiêu đầu tư 6 tháng cuối năm.

Tin bài liên quan