Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán khởi sắc, vàng tiếp tục ngậm ngùi

(ĐTCK) Trong khi chứng khoán toàn cầu tràn ngập sắc xanh với nhiều kỷ lục mới được thiết lập trong phiên thứ Năm, thì sức ép từ khả năng tăng lãi suất của Fed khiến vàng có phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp.

Giá dầu hồi phục đã giúp phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, mùa thu nhập không khả quan và nỗi lo Fed tăng lãi suất đã hãm bớt đà tăng của các chỉ số.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 14.000, lên mức điều chỉnh theo mùa 281.000 trong tuần kết thúc vào ngày 4/4, mức thấp hơn so với những gì các nhà phân tích đã dự báo là 285.000, và đưa mức trung bình 4 tuần xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000. Đây cũng là tuần thứ 5 liên tiếp số lượng thất nghiệp dưới mức 300.000, ngưỡng cho biết thị trường lao động đang phát triển tốt.

Dữ liệu này cho thấy, báo cáo việc làm tháng 3 yếu kém được công bố hôm thứ Sáu tuần trước chỉ là “thiếu may mắn”. Sự yếu kém chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực giải trí và xây dựng, những lĩnh vực nhạy cảm với thời tiết, vì vậy, các nhà kinh tế đã giảm bớt lo ngại về tình trạng suy thoái của thị trường lao động. Do đó, khả năng để Fed tăng lãi suất trong tháng 6 là vẫn còn, nhất là số người ủng hộ phương án này đang dần nhiều lên.

Bên cạnh đó, đà tăng của phố Wall cũng bị hãm bớt bởi kết quả kinh doanh không mấy khả quan của các doanh nghiệp. Hiện thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố thu nhập quý I/2015 và theo số liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của các công ty S&P 500 trong quý này giảm 2,8% so với mức dự đoán tăng 5,3% từ đầu năm. Sự sụt giảm lợi nhuận đến chủ yếu từ các công ty xuất khẩu do ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Dow Jones tăng 56,22 điểm (+0,31%), lên 17.958,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,28 điểm (+0,45%), lên 2.091,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,74 điểm (+0,48%), lên 4.974,56 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Ấu, thông tin rất khả quan với giới đầu tư là Hy Lạp bất ngờ trả nợ 450 triệu USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Điều này giúp cải thiện tâm lý của giới đầu tư, dù vẫn chưa biết rằng, liệu Athens có thể đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ, những người vốn chưa hài lòng về kế hoạch cải cách của Hy Lạp cho khoản hỗ trợ tiếp theo hay không.

Bên cạnh đó, chứng khoán châu Âu cũng nhận được thông tin hỗ trợ tích cực từ báo cáo kinh tế của Đức và thông tin M&A. Theo báo cáo vừa được công bố, kim ngạch xuất khẩu của Đức tăng 1,5% trong tháng 2 sau khi giảm 2,1% trong tháng Giêng.

Chính những thông tin này giúp chứng khoán “lục địa già” tăng lên mức cao nhất 8 năm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 77,95 điểm (+1,12%), lên 7.015,36 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 130,58 điểm (+1,08%), lên 12.166,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 72,09 điểm (+1,40%), lên 5.208,95 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh và đang hướng tới lần đầu vượt ngưỡng 20.000 điểm lần đầu tiên sau 15 năm khi giới đầu tư hy vọng vào lợi nhuận gia tăng, sự phục hồi của tiêu dùng trong nước và tín hiệu tích cực từ chứng khoán toàn cầu.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có bước nhảy dài khi tăng tiếp 2,7% trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất 7 năm sau khi đã có mức tăng hơn 3% trong phiên trước đó khi các nhà đầu tư đại lục không ngừng rót tiền vào thị trường này. Hạn ngạch đầu tư trong ngày 10,5 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD) mà giới đầu tư đại lục được đầu tư vào thị trường chứng khoán Hồng Kông trong Đề án kết nối thị trường Thương Hải - Hồng Kông đã được sử dụng hết. Đây là ngày thứ hai liên tiếp hạn ngạch đã được sử dụng hết.

Sự mạnh tay mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hồng Kông của các nhà đầu tư đại lục được kích hoạt bởi các động thái của Bắc Kinh tuần trước để khuyến khích các tổ chức, bao gồm các quỹ tương hỗ và công ty bảo hiểm mua cổ phiếu Hồng Kông.

Trong khi đó, sau chuỗi tăng ấn tượng, chứng khoán Trung Quốc đại lục đã quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 147,91 điểm (+0,75%), lên 19.937,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 707,53 điểm (+2,70%), lên 26.944,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 37,28 điểm (-0,93%), xuống 3.957,53 điểm.

Vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi đồng USD mạnh sau báo cáo thất nghiệp của Mỹ vừa được công bố. Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed được công bố hôm thứ Tư với nhiều giọng điệu cứng rắn hơn trước đó cũng khiến giới đầu tư trên thị trường này bất an.

Kết thúc phiên 9/4, giá vàng giao ngay giảm 8,7 USD (-0,72%), xuống 1.193,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 9,5 USD/ounce (-0,79%), xuống 1.193,6 USD/ounce.

Giá dầu tăng trở lại sau phiên lao dốc hôm thứ Tư khi cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran chưa có gì chắc chắn. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế khả quan của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ 4 thế giới cũng hỗ trợ cho giá nhiên liệu hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 9/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,37 USD/thùng (+0,73%), lên 50,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,02 USD (+1,80%), lên 56,57 USD/thùng.

Tin bài liên quan