Chỉ số VIX đang biến động cùng chiều với S&P 500, một diễn biến khá lạ - Ảnh: Reuters

Chỉ số VIX đang biến động cùng chiều với S&P 500, một diễn biến khá lạ - Ảnh: Reuters

Chứng khoán lình xình, vàng vọt tăng mạnh

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ dao động lình xình và đóng cửa trái chiều trong phiên giao dịch ngày 10/6 khi nhà đầu tư đang hướng về cuộc họp tuần sau của FED, trong khi vàng tăng vọt lên mức cao 2 tuần nhờ lực mua kỹ thuật.
Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall đã giảm 1,4% trở lại trong phiên 10/6 sau khi tăng mạnh 3,5% trong phiên đầu tuần, đứng ở mức 10,99. Thông thường, chỉ số VIX sẽ biến động trái chiều với S&P 500, tuy nhiên, trong 2 phiên đầu tuần, quy luật này đã có sự thay đổi. Trong phiên đầu tuần, VIX tăng mạnh, nhưng S&P 500 vẫn thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi phiên thứ Ba, VIX giảm trở lại, thì S&P 500 lại điều chỉnh giảm theo.

Dù S&P 500 điều chỉnh, nhưng Dow Jones và Nasdaq vẫn duy trì đà tăng và Dow Jones có phiên thứ 4 liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Tuần trước, ECB đã có quyết định lịch sử khi giảm lãi suất xuống mức âm, giúp chứng khoán Âu, Mỹ tăng điểm, xác lập các mốc cao lịch sử mới. Sau ECB, nhà đầu tư đang hướng tới cuộc họp vào tuần tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) với lo ngại về khả năng FED sẽ đưa ra thời gian tăng lãi suất sớm, bởi thị trường lao động được công bố thứ Sáu tuần trước khá tích cực.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Dow Jones tăng 2,82 điểm (+0,02%), lên 16.945,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,48 điểm (-0,02%), xuống 1.950,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,75 điểm (+0,04%), lên 4.338,00 điểm.

Cũng giống Phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có sự trái chiều, trong khi chứng khoán London (Anh) dù nỗ lực đảo chiều, nhưng vẫn không tránh khỏi phiên giảm điểm, thì chứng khoán Đức và Pháp vẫn duy trì đà tăng nhẹ. Sau khi thông tin ECB cắt giảm lãi suẩt đã dần nguôi ngoai, thì thị trường chứng khoán châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng tốt với các hoạt động M&A.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 1,45 điểm (-0,02%), xuống 6.873,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 20,17 điểm (+0,20%), lên 10.028,80 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 5,88 điểm (+0,13%), lên 4.595,00 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng đóng cửa trái chiều trong phiên 10/6. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Trung Quốc vừa công bố tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước so với mức tăng 1,8% trong tháng 4. Tốc độ tăng lạm phát này phù hợp với kỳ vọng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tháng 5 giảm 1,4% so với cùng kỳ và giảm 2% so với tháng 4. Những dữ liệu này giúp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế mà không sợ thổi bùng lạm phát.

Thông tin trên được công bố giúp chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh trong phiên 10/6, trong khi chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh khi đồng yên tăng giá so với đồng USD.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 129,2 điểm (-0,85%), xuống 14.994,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 198,27 điểm (+0,86%), lên 23.315,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 22,03 điểm (+1,08%), lên 2.052,53 điểm.

Dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc vừa được công bố, cùng với lực mua kỹ thuật giúp giá vàng tăng mạnh trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 10/6, giá vàng giao ngay tăng 7,9 USD (+0,63%), lên 1.259,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 6 USD (+0,48%), lên 1.260,1 USD/ounce.  

Trong khi đó, trên thị trường năng lượng, giá dầu thô đã giảm trở lại sau phiên tăng vọt trước đó. Kết thúc phiên 10/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,06 USD (-0,06%), xuống 104,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,47 USD (-0,43%), xuống 109,52 USD/thùng.

Tin bài liên quan