Lo ngại về trần nợ công và ngành ngân hàng Mỹ dường như đã tan biến, nhưng vẫn có những mối lo ngại khác.

Lo ngại về trần nợ công và ngành ngân hàng Mỹ dường như đã tan biến, nhưng vẫn có những mối lo ngại khác.

Chứng khoán Mỹ: Ẩn số tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Mỹ đang có các dự báo trái chiều trong thời gian tới, bởi vẫn còn nhiều ẩn số.

Chỉ số S&P 500 gần đây có diễn biến tăng, khi các nhà đầu tư được cởi bỏ áp lực trần nợ công, quên đi cuộc khủng hoảng ngân hàng và kỳ vọng lãi suất sẽ ngừng tăng, do lạm phát hạ nhiệt (chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2023 tăng 4,9% so với cùng kỳ, giảm gần một nửa so với mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022).

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell cho biết, Fed sẽ xem xét các dữ liệu và triển vọng trước khi đưa ra quyết định về lãi suất tại cuộc họp ngày 14/6 tới.

Bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược toàn cầu, LPL Financial cho rằng, một đợt tăng lãi suất có thể được Fed đưa ra vào tháng 6 này, nếu dữ liệu lạm phát tháng 5 cao hơn dự kiến.

Theo CME Group, thị trường trái phiếu đang bỏ phiếu 28% cơ hội Fed sẽ duy trì lãi suất và 72% cơ hội tăng thêm 0,25%/năm, lên 5,25 - 5,5%/năm, nhằm đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%/năm.

Lãi suất có thể tăng thêm, ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường chứng khoán, nhưng với việc thỏa thuận về trần nợ công đã được thực hiện, Fed đang đạt đến điểm quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát và vài tháng tới có thể xác định liệu cơ quan này có khả năng điều hướng hạ cánh mềm cho nền kinh tế hay không.

Trong những tháng gần đây, thị trường nhà ở tại Mỹ yếu đi đáng kể và hoạt động sản xuất suy giảm, nhưng hạ cánh mềm vẫn có thể xảy ra, nhờ khả năng phục hồi của thị trường lao động. Kinh tế Mỹ đã tạo thêm 253.000 việc làm trong tháng 4, tăng 42% so với tháng 3 và vượt quá ước tính của các nhà kinh tế là 180.000 việc làm; tiền lương tăng 4,4% so với cùng kỳ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong lịch sử, chỉ là 3,4%.

Mặc dù vậy, lãi suất tăng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm là một sự kết hợp tồi tệ đối với tăng trưởng thu nhập của S&P 500. Hơn 95% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo thu nhập quý đầu tiên của năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm 2,2%. Đây là quý thứ hai liên tiếp, thu nhập của S&P 500 giảm.

Hướng tới báo cáo quý II/2023, các nhà phân tích dự báo, thu nhập của S&P 500 giảm 6,4% so với cùng kỳ, nhưng sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2023, lần lượt là 0,7% trong quý III và 8,1% trong quý IV.

Thị trường còn nhiều ẩn số và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, nhưng tính đến ngày 7/6/2023, S&P 500 ghi nhận mức tăng 11%; trong đó, tính đến ngày 25/5, ngày giao dịch thứ 100 của năm 2023, chỉ số tăng khoảng 9%. Kể từ năm 1950, khi S&P 500 tăng ít nhất 8% vào ngày giao dịch thứ 100 của một năm dương lịch, chỉ số này thường tăng trung bình thêm 10% trong thời gian còn lại của năm.

Ông Bob Doll, Giám đốc đầu tư Crossmark Global Investments cho biết, các chỉ số báo sớm về kinh tế hiện có tháng giảm thứ 13 liên tiếp, thị trường vẫn ghi nhận đường cong lợi suất đảo ngược và các vấn đề về thanh khoản.

“Tôi nghĩ rằng, sẽ còn nhiều tác động hơn nữa từ lãi suất tăng. Do đó, tôi không kỳ vọng những đợt tăng điểm kéo dài của thị trường cổ phiếu”, ông Bob Doll nói.

Ngược lại, ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư, Independent Advisor Alliance kỳ vọng, suy thoái chưa xuất hiện nên quy mô phục hồi trên thị trường Phố Wall có thể được mở rộng.

Thậm chí, ông Adam Turnquist, Giám đốc chiến lược kỹ thuật, LPL Financial nhận định, có khả năng S&P 500 sẽ bứt phá lên mức cao mới trong những tháng tới.

“Với nhiều tiến bộ kỹ thuật phục vụ cho thị trường rộng lớn hơn và khả năng kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của Fed, một sự thay đổi trong tâm lý có thể sắp xảy ra, trong khi áp lực phải bù đắp các vị thế bán khống cao trong lịch sử tăng lên. Điều này có ý nghĩa gì đối với S&P 500? Đó có thể là một chuyến tàu tốc hành nhanh chóng tới mức cao nhất vào tháng 8 tới”, ông Adam Turnquist nói.

Tin bài liên quan