Mỹ vỡ nợ không hẳn là ngày tận thế đối với nhà đầu tư chứng khoán

Mỹ vỡ nợ không hẳn là ngày tận thế đối với nhà đầu tư chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Mỹ vỡ nợ có thể không phải chuyện quá tệ hại đối với thị trường chứng khoán Mỹ, bởi đây có khả năng là cơ hội mua bắt đáy của các nhà đầu tư.

Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, đó sẽ là thảm hoạ đối với nền kinh tế Mỹ. Hàng triệu việc làm sẽ bị ảnh hưởng, chi phí đi vay sẽ tăng vọt và chính phủ sẽ không gửi đúng hạn các phúc lợi mà nhiều người đang phụ thuộc vào đó.

Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư đang khao khát cơ hội mua đáy - bán đỉnh, việc Mỹ vỡ nợ có thể không hẳn là ngày tận thế đối với họ.

Thị trường chứng khoán hầu như không quan tâm đến vấn đề trần nợ kể từ khi Mỹ chạm giới hạn đi vay vào tháng 1/2023. Tâm lý đó hẳn sẽ thay đổi khi thời điểm chính phủ cạn ngân sách và vỡ nợ đang đến gần.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã gặp nhau vào ngày 22/5 để thảo luận về việc nâng trần nợ. Tuy cuộc đàm phán diễn ra rất chuyên nghiệp và hiệu quả, nhưng cả hai bên vẫn chưa đạt được thoả thuận nào.

Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 16% trong thời gian khoảng 5 tuần vào năm 2011, khi Mỹ suýt chút nữa rơi vào tình cảnh vỡ nợ. Sau đó, Nhà Trắng và Quốc hội đã đạt được thoả thuận vào phút chót, nhưng vẫn khiến S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống mức AA+.

Tuy nhiên, hai tháng sau khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín dụng, chỉ số S&P 500 đã loại bỏ những tổn thất trước đó và kết thúc năm ở mức tương đương hồi đầu năm.

Chia sẻ với CNN, các chuyên gia nhận định rằng, ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Biden và Đảng Cộng hoà không kịp chốt các thoả thuận và kết cục là Mỹ vỡ nợ, bế tắc cũng khó có thể kéo dài.

Bà Callie Cox, chuyên gia phân tích đầu tư tại hãng dịch vụ tài chính eToro cho rằng, khi vấn đề trần nợ công được giải quyết, rất có thể thị trường sẽ có đợt phục hồi đáng kể.

Tuy nhiên, ông Michael Reynolds, Phó giám đốc cấp cao tại công ty quản lý tài sản Glenmede cho biết, rất có thể sẽ có một giai đoạn điều chỉnh ngay sau khi hai bên đạt được thoả thuận, khi Bộ Tài chính bổ sung ngân sách mà họ đã chi tiêu lúc không thể vay thêm nợ.

Bà Cox cho biết, các nhà đầu tư từng gặt hái rất nhiều thành quả khi nhảy vào thị trường và mua bắt đáy. Có rất nhiều nhà đầu tư vẫn đang tự trách mình vì không mua thêm cổ phiếu khi giá ở mức thấp trong lúc đại dịch hoành hành.

Dù vậy, nhà đầu tư cũng không nên xa rời thực tế thị trường. Vị chuyên gia phân tích của eToro cho rằng, chúng ta đang thấy rất nhiều áp lực khác đè nặng lên nền kinh tế.

Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) đã thực hiện một cuộc khảo sát mới đối với các nhà kinh tế tại nhiều doanh nghiệp Mỹ. NABE đã phát hiện ra rằng, nền kinh tế Mỹ đã trụ vững trong 1 năm qua bất chấp các dự báo suy thoái từ Phố Wall.

Tuy nhiên, vận may của Mỹ có thể sẽ hết vào cuối năm nay. Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn cho thấy, người tiêu dùng đang cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu, một dấu hiệu cho thấy suy thoái sắp xảy ra.

Ông Reynolds bày tỏ: “Bạn hẳn không muốn đầu tư quá mạnh tay khi nền kinh tế cận kề suy thoái”. Theo quan điểm của ông Reynolds, nhà đầu tư chỉ nên mua vào nếu S&P 500 mất khoảng 16% so với giá trị hiện tại.

Bà Cox cho rằng, nếu là một nhà đầu tư ngắn hạn, tốt hơn hết là bạn nên thận trọng. Tuy nhiên, nếu là nhà đầu tư dài hạn, nếu thấy giá cổ phiếu giảm khoảng 5% so với giá trị hiện tại thì bạn nên mua vào.

Tin bài liên quan