Chứng khoán Mỹ hồi mạnh nhờ đâu?

Chứng khoán Mỹ hồi mạnh nhờ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Mỹ trong 1 tháng qua có diễn biến tăng mạnh, bất chấp quyết định nâng lãi suất của Fed và lạm phát vẫn ở mức cao.

Hai lý do chính

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vừa đạt mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1976, với con số tăng 14% trong tháng 10 và duy trì sắc xanh trong các phiên đầu tháng 11.

Lý do đầu tiên là thu nhập của nhiều doanh nghiệp “biểu tượng” của Mỹ như hãng xe General Motors, tập đoàn nước giải khát Coca-Cola, hãng giao nhận UPS... báo cáo doanh số và lợi nhuận tăng mạnh trong quý III/2022. Điều này cho thấy, người tiêu dùng tuy chịu sức ép bởi lạm phát, nhưng họ vẫn có niềm tin và tiếp tục chi tiêu.

Chỉ số lạm phát có dấu hiệu đi xuống tạo hiệu ứng khiến chứng khoán Mỹ có những phiên tăng cực mạnh cuối tuần qua.

Lý do thứ hai là những tin tức về giá nhà đất giảm tốc, lo ngại lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế có thể khiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Các nhà đầu tư đang hy vọng vào điều đó, giúp nền kinh tế giảm bớt nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái sâu và kéo dài do ảnh hưởng của các đợt tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng 8 và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Hiện lãi suất cơ bản đồng USD đang ở mức 3,75 - 4%/năm, sau 6 đợt tăng của Fed kể từ đầu năm 2022, trong đó, 4 đợt gần nhất tăng 0,75%/đợt.

Lãi suất tăng mạnh dần bóp nghẹt các lĩnh vực phụ thuộc vào vay nợ lãi suất thấp như bất động sản.

Lãi suất cho vay mua nhà tại Mỹ đang ở mức 7%/năm, cao nhất trong gần 20 năm, khiến thị trường nhà ở ảm đạm. Doanh số bán nhà xây mới trong tháng 9/2022 giảm 10,9% so với tháng 8 và giảm 17,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp không cao, nhưng tăng từ mức 3,5% của tháng 9 lên 3,7% trong tháng 10, cho thấy kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu mất đà phục hồi (GDP quý III/2022 tăng 2,6% so với cùng kỳ, sau khi giảm 1,6% trong quý I và giảm 0,6% trong quý II).

Tăng trưởng sản xuất chậm lại và giá năng lượng tăng có thể khiến nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm... Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều hy vọng rằng, khi kinh tế có dấu hiệu suy yếu và lạm phát hạ nhiệt, Fed có thể chỉ tăng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp tháng 12 tới và tạm dừng việc tăng lãi suất vào năm 2023 để chờ xem tác động của các đợt tăng lãi suất đến nền kinh tế. Thậm chí, một số người ở Phố Wall còn đặt cược rằng, Fed có thể đảo ngược hướng đi và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023.

Kỳ vọng này có thêm cơ sở khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2022 tuy tăng 0,3% so với tháng 9, nhưng chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ, giảm tốc so với mức tăng 8,2% của tháng 9 so với cùng kỳ năm 2021. Ngay sau khi số liệu này được công bố, chỉ số Dow Jones bật tăng 3,7% (ngày 10/11).

Với động thái tăng mua cổ phiếu trong vài tuần gần đây, có vẻ như các nhà đầu tư đang đặt tầm nhìn từ ngắn và trung hạn sang dài hạn. Trước đó, giá cổ phiếu giảm mạnh khi tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo sụt giảm trong năm nay và nửa đầu năm sau.

Nếu thời kỳ tồi tệ nhất do ảnh hưởng của lạm phát và lãi suất tăng thực sự kết thúc vào nửa cuối năm 2023, thì nhà đầu tư nên đặt cược vào điều đó. Bởi lẽ, Phố Wall thường định giá cổ phiếu dựa vào triển vọng thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai.

Kỳ vọng vào cuộc bầu cử

Phố Wall giờ đây hướng về Washington với nhiều hy vọng từ cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ. Theo CNN, nhà đầu tư đang đặt cược vào việc Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát trong Quốc hội trong cuộc bầu cử này. Nếu Đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát ít nhất một viện trong Quốc hội, đây sẽ là kết quả mà thị trường mong đợi.

Theo dữ liệu từ Edelman Financial Engines, kể từ năm 1948 đến nay, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 16,9% mỗi năm trong 9 năm mà Đảng Dân chủ có ứng viên làm Tổng thống, còn Đảng Cộng hòa giành đa số ghế trong cả Thượng viện và Hạ viện. Mức tăng của chỉ số là 15,1% trong những giai đoạn mà Đảng Dân chủ vừa nắm Nhà Trắng, vừa nắm quyền kiểm soát cả hai viện và tăng 15,9% khi Đảng Cộng hòa nắm toàn quyền.

“Nếu Đảng Cộng hòa giành được Hạ viện, các đề xuất tăng thuế sẽ chết yểu. Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ không phê duyệt kế hoạch áp thuế đối với lợi nhuận bất thường của các công ty dầu khí mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất. Đảng này cũng thường không ủng hộ việc tăng thuế với người giàu”, ông David Wagner, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Aptus Capital Advisors nhận định.

Chiến lược gia Anthony Saglimbene cho biết, trong lịch sử, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau các cuộc bầu cử, dù đảng nào nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội.

Tin bài liên quan