TTCK Nga hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ưa mạo hiểm

TTCK Nga hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ưa mạo hiểm

Chứng khoán Nga nhiều rủi ro nhưng đáng để đầu tư

(ĐTCK) Đối với các nhà đầu tư đặt yếu tố bất ổn địa chính trị lên hàng đầu thì thị trường chứng khoán (TTCK) Nga thực sự là điểm đến kém hấp dẫn. 

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm thì nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với khó khăn do giá dầu sụt giảm mạnh, các lệnh trừng phạt kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine này vẫn đem tới nhiều cơ hội đáng để thử.

Những nhà đầu tư lựa chọn đúng thời điểm để mua vào cổ phiếu Nga đang ghi nhận những tín hiệu sinh lời tích cực. Giá cổ phiếu Nga rẻ ít nhất gấp đôi so với các thị trường đang nổi khác, và khi tính trên phương diện đồng USD, giá trị cổ phiếu nhiều công ty Nga đã tăng 15% kể từ đầu năm 2015 tới nay. Người đứng đầu quỹ đầu tư tại các thị trường đang nổi GAM Equities, Matt Linsey cho biết: “Một số cổ phiếu Nga đang tăng mạnh mức trả cổ tức cho các nhà đầu tư. Điều này thực sự rất bất ngờ”. Đáng chú ý, Tập đoàn khí đốt Navatek dự định tăng thêm 1/3 giá trị cổ tức, trong khi Lukoil cam kết sẽ duy trì cổ tức cho các nhà đầu tư ngay cả khi giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, các chuyên gia của ngân hàng Credit Suisse đã giảm bớt tỷ lệ rủi ro của TTCK Nga từ mức 50% xuống 20%. Nói cách khác, họ vẫn quan ngại về những rủi ro nhất định của thị trường cổ phiếu “xứ sở Bạch Dương” song mức độ đã giảm đáng kể.

Có hai cơ sở để Credit Suisse đưa ra đánh giá này. Thứ nhất là tác động của các lệnh trừng phạt từ Phương Tây đối với Nga. Không thể phủ nhận việc các lệnh trừng phạt đã “tàn phá” đáng kể quốc gia phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ này, khi dự trữ ngoại tệ của Nga giảm mạnh do giá dầu tụt dốc, trong khi đồng rúp mất giá không phanh. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của phương Tây đưa ra hồi tháng 9/2014 còn ngăn chặn các công ty EU và người dân khu vực này khỏi các hoạt động mua bán cổ phiếu và trái phiếu có kỳ hạn lớn hơn 30 ngày (do 5 ngân hàng chủ chốt và 3 công ty năng lượng của Nga phát hành). Thậm chí, những công ty Nga không nằm trong diện trừng phạt cũng rất khó tiếp cận các khoản vay tín dụng quốc tế trong bối cảnh môi trường kinh tế và chính trị đầy bất ổn.

Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ hai tại Minsk (Belarus) hồi tháng Hai vừa qua về thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông có thể là cơ sở để Liên minh châu Âu nới lỏng trừng phạt Nga. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond từng tuyên bố rằng EU sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Nga tuân thủ đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận tại Minsk.

Cơ sở thứ hai là giá dầu. Trong khi giá dầu liên tục rớt xuống các mức thấp kỷ lục thời gian qua và ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga, các nhà phân tích cho rằng, Nga có đủ khả năng điều chỉnh các mục tiêu ngân sách giả định nhằm ứng phó với biến động kinh tế ngay cả khi giá dầu thấp hơn nữa. Thêm vào đó, Credit Suisse vẫn đặt niềm tin rằng giá dầu nhiều khả năng sẽ tăng trong những tháng tới. Ngân hàng này dự báo giá dầu Brent biển Bắc sẽ ở mức 71 USD/thùng vào cuối năm 2015, so với mức tương ứng khoảng 53 USD/thùng như hiện nay. Điều này sẽ giúp củng cố đáng kể giá trị cổ phiếu của Nga. Mặt khác, lợi nhuận doanh nghiệp nước này, đặc biệt là các nhà xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ đồng rúp yếu hơn.

Chia sẻ quan điểm về những cơ hội đầu tư cổ phiếu và trái phiếu Nga, Costa Vayenas, người đứng đầu quỹ đầu tư tại UBS Wealth Management cho biết: “Trái phiếu chính phủ Nga hiện ở mức rất rẻ, đặc biệt khi tính toán rằng, với nguồn dự trữ ngoại tệ 350 tỷ USD, Nga vẫn hoàn toàn có thể trả các khoản nợ của mình”. Một nhân tố quan trọng khác củng cố lòng tin các nhà đầu tư là sự ổn định trở lại của đồng rúp thời gian gần đây so với đồng tiền tại các thị trường đang nổi như đồng real của Brazil và lira của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tin bài liên quan