Chứng khoán ngày 23/1: Tiếp tục điều chỉnh

Chứng khoán ngày 23/1: Tiếp tục điều chỉnh

(ĐTCK) Đa phần các CTCK đều có nhận định rằng, trong một vài phiên tới, nhiều khả năng áp lực điều chỉnh của cả hai chỉ số sẽ vẫn tiếp diễn khi nhà đầu tư có xu hướng chốt lời và hạ đòn bẩy tài chính nhằm tránh phải chịu lãi suất qua kỳ nghỉ lễ.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 23/1.

Cân nhắc chốt lời đối với danh mục ngắn hạn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Chỉ số VN-Index chính thức có một phiên điều chỉnh mạnh sau 12 phiên tăng điểm liên tiếp. Mặc dù vậy, mức độ phân hóa vẫn khá rõ nét khi nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, VIC, GAS, PVD… giảm điểm mạnh nhưng vẫn có một vài bluechips khác như BVH, REE, CTG, STB tăng điểm.

Đáng chú ý là diễn biến của cổ phiếu HPG khi mã này bị bán sàn khá lớn từ giữa phiên buổi sáng. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến chung của thị trường.

Nhiều khả năng lực cung tại HPG chủ yếu do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ dài Tết Nguyên Đán sau khi cổ phiếu này đã đạt mức tăng gần 30% kể từ đầu tháng 1 đến nay.

Trong một vài phiên tới, nhiều khả năng áp lực điều chỉnh của cả hai chỉ số sẽ vẫn tiếp diễn khi nhà đầu tư có xu hướng chốt lời và hạ đòn bẩy tài chính nhằm tránh phải chịu lãi suất qua kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, lực cầu từ khối ngoại sẽ vẫn là một ẩn số khó đoán và có thể xuất hiện tại các mã vốn hóa lớn, giúp giảm bớt mức độ điều chỉnh của thị trường.

Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì danh mục trung hạn ở mức trung bình thấp và tiếp tục cân nhắc chốt lời đối với danh mục ngắn hạn.

Giảm tỷ lệ cổ phiếu yếu kém, nắm giữ cổ phiếu mạnh

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Việc những ngày giáp Tết cận kề kèm theo nhiều cổ phiếu lớn đi vào khung giá điều chỉnh cho thấy việc thị trường sẽ còn điều chỉnh trong các phiên tới.

Nhiều khả năng ngày mai thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh với khối lượng giao dịch lớn và chỉ số VN-Index sẽ giảm điểm dưới ngưỡng 550, việc điều chỉnh sẽ diễn ra ở nhiều cổ phiếu lớn.

Nhà đầu tư nên hạn chế mua vào trong giai đoạn hiện nay và đợi các tín hiệu rõ nét hơn trong tuần đầu tiên sau tết.

Giảm tỷ lệ cổ phiếu yếu kém và tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu mạnh là chiến lược tốt trong giai đoạn hiện nay.

Kỳ vọng vào đà tăng sẽ đến từ nhóm midcap

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Việc thị trường giảm mạnh mà không còn có cú hồi như phiên trước là điều đã được dự báo. Chúng tôi đã đề cập đến áp lực bán ở nhóm cổ phiếu HPG, MSN, GAS, VIC... do tăng mạnh vừa qua bởi dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên áp lực này sẽ sớm hết vào những phiên tới đây, nhưng sẽ không thể kỳ vọng vào nhóm này sẽ tăng lại nữa. Nhóm cổ phiếu này sẽ chỉ đóng vai trò giữ nhịp nhiều hơn là dẫn dắt chỉ số VN-Index tăng.

Một điểm nữa lý giải cho đà bán hôm nay có thể do nhà đầu tư có ý định rút tiền hoặc trả nợ trước Tết. Với nhiều nhà đầu tư, họ muốn được hưởng một cái Tết đầy đủ sau khoảng thời gian thị trường bùng nổ vừa qua.

Bởi vậy, quyết định thực hiện hóa lợi nhuận của họ là điều dễ hiểu. Ngoài ra, một số khác với tâm lý an toàn cũng lựa chọn phương án này để đề phòng những thông tin quốc tế bất lợi có thể xảy đến trong khoảng thời gian nghỉ Tết.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời trên không đồng nghĩa với việc tâm lý bi quan đang bao trùm lên toàn thị trường. Lực cầu mua vào vẫn rất lớn, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn có những kỳ vọng lớn vào thị trường. Với những gì đã diễn ra, thị trường trong những phiên cuối cùng của năm Quý Tỵ sẽ có diễn biến dễ chịu hơn. Áp lực bán ra sẽ không còn quá mạnh mẽ, và chúng tôi kỳ vọng vào đà tăng sẽ đến từ nhóm cổ phiếu midcap.

Hạn chế mở ra các vị thế mua mới

(CTCK FPT - FPTS)                                                                      

Sau liên tiếp nhiều phiên giao dịch bùng nổ về điểm số, đà tăng VN-Index đã chững lại trong phiên giao dịch 22/1, mặc dù thanh khoản vẫn tiếp tục ở mức khá nhưng áp lực chốt lời ở một số cổ phiếu lớn đã không thể giúp chỉ số này duy trì xu thế tăng điểm mạnh như phiên mở cửa.

Các cổ phiếu trong rổ VN30 tiếp tục thu hút được sự quan tâm của thị trường, tuy nhiên áp lực bán mạnh sau nhiều phiên tăng liên tiếp đã bắt đầu làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng của nhóm cổ phiếu này.

Cùng với đó thì khối ngoại phiên 22/1 cũng bất ngờ bán ra khá mạnh, giá trị bán ròng trên cả thị trường lên tới 236,8 tỷ đồng và tập trung ở một số cổ phiếu lớn như HPG, DPM, EIB, PPC … Chốt phiên, cả hai chỉ số là HNX-Index và VN-Index đều để mất điểm, chuỗi phiên tăng liên tiếp của VN-Index tạm thời bị ngắt nhịp.

Tuy vậy, tín hiệu lạc quan vẫn được ghi nhận khi xu hướng mua vào các cổ phiếu cơ bản theo thông tin về báo cáo quý IV vẫn được thể hiện khá rõ tại nhiều thời điểm trong phiên.

Ngoài ra, sàn HOSE vẫn tiếp tục là tâm điểm của dòng tiền trong đợt tăng giá này, nhìn vào thanh khoản có thể thấy dòng tiền đang khá tốt và vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu nhất định.

Theo đó, chúng tôi bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu dựa theo xu thế của thị trường, hạn chế mở ra các bị thế mua mới, chiến lược giao dịch phù hợp vẫn là ưu tiên nắm giữ đối với những cổ phiếu có thông tin cơ bản hỗ trợ và canh bán dần nếu đã đạt tới mức lợi nhuận kỳ vọng.

Thị trường vẫn tích cực

(CTCK MB - MBS)

Thị trường hôm nay đi xuống khi cả VN-Index và HN-Index cùng giảm điểm, thanh khoản ở mức trung bình khá. Cổ phiếu đáng chú ý trong rổ VN30 gồm có HPG (giảm sàn), MSN và PVD (cùng giảm 4 điểm).

Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận rất lớn KDC (435 tỷ) thì các nhà đầu tư nước ngoài hôm nay vẫn tiếp tục mua ròng với giá trị lớn, hoạt động giao dịch của họ ở mức cao. Giao dịch đáng chú ý của họ gồm có BVH (mua vào 47 tỷ), và VCB (mua vào 31 tỷ).

Thị trường 22/1 đã có một phiên điều chỉnh, tuy nhiên biên độ biến động vẫn nằm trong mức trung bình, và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua vào trên sàn với giá trị lớn nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về thị trường.

Điều chỉnh có thể sẽ vẫn xảy ra

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Như dự báo của chúng tôi về áp lực chốt lời trước Tết, sàn HOSE đã quay đầu giảm điểm sau chuỗi tăng nóng liên tiếp những ngày gần đây. Thanh khoản thị trường tăng mạnh với nguồn cung áp đảo ở các mã bluechips.

Đáng chú ý, phiên này chứng kiến lượng bán ròng mạnh của khối ngoại theo phương thức thỏa thuận tại mã KDC với hơn 435 tỷ. Tuy nhiên, loại trừ giá trị này thì khối ngoại vẫn mua ròng hơn 178 tỷ. Mặc dù giảm nhẹ so với hôm qua nhưng khối lượng mua ròng vẫn ở mức cao, cho thấy dòng tiền của khối ngoại vẫn tiếp tục được rót vào.

Như vậy, vai trò dẫn dắt của khối ngoại tiếp tục được duy trì khi khối lượng mua ròng liên tiếp áp đảo trong các phiên gần đây.

Ngoài ra, quan sát diễn biến của hai quỹ VNM và FTSE ETF, chúng tôi nhận thấy lượng chứng chỉ quỹ tại cả hai tổ chức này vẫn đang có xu hướng gia tăng với mức premium duy trì ở mức khá cao.

Do vậy, chúng tôi bảo lưu quan điểm về sự tham gia của khối ngoại trong các phiên sắp tới.

Ở phía ngược lại, nhà đầu tư trong nước lại có xu hướng rút vốn khi kỳ nghỉ lễ đang đến gần. Vì vậy, sự điều chỉnh như phiên 22/1 có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhưng biên độ không quá lớn.

Dựa trên các lập luận trên, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các phiên tăng điểm để chốt lời từng phần, ngược lại các nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc giải ngân trong những nhịp điều chỉnh để cân đối tỷ trọng danh mục đầu tư.

Hạn chế đuổi giá

(CTCK ACB - ACBS)

Thị trường chứng khoán lùi lại một chút khi nhà đầu tư chốt lời mạnh nhiều mã blue-chip. Khối lượng trên cả hai sàn tăng hơn 20%, cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế ở vùng giá hiện tại.

Tuy nhiên, cầu bắt đáy đáy vẫn khá lớn, hấp thụ hết lượng cung, giúp cho các chỉ số không điều chỉnh quá sâu dù có một vài đợt bán tháo trong phiên. Số mã giảm không quá vượt trội so với mã tăng, nhờ vào kết quả kinh doanh khả quan năm 2013 của nhiều công ty và mức tăng chỉ số CPI của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM được công bố ở mức thấp (tương ứng 0,7% và 0,4%) dù đây là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Trên HOSE, nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, EIB, MBB, STB và VCB tiếp tục nhận được lực cầu lớn, giúp hãm đà giảm của VN-Index.

Khối ngoại bán ròng 257 tỷ đồng trên HSX, do khoản bán 8,4 triệu cp KDC, giá trị hơn 430 tỷ đồng, thông qua giao dịch thỏa thuận. HPG cũng bị bán ròng 19 tỷ đồng, mạnh nhất trong 1 tháng qua. Trên HNX, khối này mua ròng 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, PVS đảo chiều giảm ngoạn mục trong phiên khi khối ngoại giảm bớt lực mua.

Các đợt điều chỉnh giảm sâu hơn, nếu có, là cần thiết để làm mới lại lực cầu trên thị trường. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi giá ở thời điểm hiện tại.

Nên chú ý nhiều vào khối lượng hơn là điểm số

(CTCK BIDV - BSC)

Áp lực bán phiên 22/1 một phần do nhà đầu tư không muốn giữ cổ phiếu qua Tết (còn 3 phiên nữa nghỉ Tết), 1 phần từ áp lực điều chỉnh kỹ thuật sau khi điểm số thị trường đã tăng quá nhanh.

Các mã bluechip bị bán ra mạnh, tuy nhiên vẫn giữ được sự cân bằng tương trong tương quan tăng/giảm (chứ không giảm hàng loạt).

Khối ngoại (trừ thỏa thuận) vẫn giữ xu hướng mua ròng tốt cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng. Trong giai đoạn này, khối lượng nên được lưu ý nhiều hơn là điểm số, nếu phiên tới khối lượng giao dịch thị trường tăng đột biến thì rủi ro thị trường sẽ là đáng kể.

Dòng tiền chốt lời sẽ chuyển qua midcap

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Chuỗi tăng điểm của VN-Index kết thúc với một phiên điều chỉnh mạnh. Nhóm cổ phiếu bluechip là nhóm chịu áp lực chốt lời mạnh nhất, đây là điều đã được dự đoán trước do nhóm cổ phiếu này đã tăng quá nóng trong thời gian gần đây.

Mức giảm mạnh của VN-Index là do tác động của các cổ phiếu có vốn hóa lớn dưới áp lực chốt lời của nhà đầu tư trong nước.

Khối ngoại vẫn tích cực mua ròng ở những mã bluechip quen thuộc nhưng mức độ mua/bán trên sàn đã giảm rõ rệt so với các phiên đầu tuần.

Dòng tiền chốt lời nhiều khả năng tiếp tục được chuyển sang các mã vốn hóa trung bình có thông tin tích cực hoặc đang tích lũy có lợi thế hơn so với các mã đã tăng mạnh trước đó.

Tin bài liên quan