Chứng khoán phái sinh quốc tế: Miếng pho mát trong bẫy chuột (Bài 3) - Dịch vụ chưa được “khai sinh”

Chứng khoán phái sinh quốc tế: Miếng pho mát trong bẫy chuột (Bài 3) - Dịch vụ chưa được “khai sinh”

(ĐTCK) Hàng nghìn nhà đầu tư đang bị bủa vây bởi những lời mời chào hấp dẫn từ chứng khoán phái sinh quốc tế, hàng chục triệu USD có thể đang âm thầm chảy ra khỏi Việt Nam, với một thị trường hư hư thực thực và khoảng trống pháp lý…

Bài 3: Dịch vụ chưa được “khai sinh”

Đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế được quy định thuộc nhóm cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới, cho đến nay chưa được cơ quan quản lý cấp phép tại Việt Nam.

Vì thế, các dịch vụ hỗ trợ cho loại hình đầu tư này đều có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Trước tình trạng nở rộ việc tư vấn, chào mời khách hàng cá nhân bỏ tiền đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế và nhiều sàn hoạt động mạnh, thu hút hàng nghìn nhà đầu tư tham gia, gần đây, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được đơn thư phản ánh của nhà đầu tư, cũng như cơ quan công an đề nghị làm rõ về hình thức đầu tư này.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán từ các cơ quan quản lý, đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế với những dạng thức và hành vi như đã được mô tả trong các bài viết trước, có thể được coi là hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Một cán bộ có trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo các quy định hiện hành, đầu tư chứng khoán ngoài lãnh thổ, các nước đều yêu cầu phải được cấp phép bởi cơ quan quản lý.

Việt Nam đã mở cửa cho các dịch vụ đầu tư chứng khoán ra nước ngoài, nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, thông qua các công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư.

Cho đến thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ trường hợp nào làm dịch vụ trung gian cho nhà đầu tư cá nhân trong nước đầu tư chứng khoán ở nước ngoài.

Như vậy, có thể hiểu là chủ thể cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam một cách chính danh, được pháp luật thừa nhận là chưa có. Rủi ro pháp lý với những nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vốn chu du ra nước ngoài rất rõ ràng.

Một khía cạnh khác mà Báo Đầu tư Chứng khoán tìm hiểu là các quy định liên quan đến đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. 

Điều 5 - Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài ghi rõ, nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, nội dung thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng theo nghị định này, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ  Việt Nam muốn trở thành cầu nối trung gian kết nối nhà đầu tư cá nhân trong nước đầu tư ra nước ngoài phải có sự phê duyệt của cơ quan chủ quản ngành là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Do đó, các nhà đầu tư bỏ vốn mua chứng khoán phái sinh quốc tế thông qua các đơn vị tư vấn trong nước như Alfa Media đối mặt với nguy cơ không được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, hình thức đầu tư này hiện vẫn ngang nhiên quảng cáo trên các website. Truy cập Google gõ “đầu tư CFD tại Việt Nam” cho ra ngay 173.000 kết quả, với hàng loạt các site quảng cáo, hướng dẫn và mời gọi nhà đầu tư tham gia. Trên các trang thông tin tài chính như Vietstock cũng đặt các banner quảng cáo cho loại hình đầu tư chưa được cấp phép tại Việt Nam.

Trong vai một nhà đầu tư muốn bỏ vốn vào chứng khoán phái sinh quốc tế, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với nhiều nhà đầu tư “cùng hội, cùng thuyền”.

Họ cho biết, tin tưởng vào hình thức đầu tư này, một phần bởi tiền được chuyển qua các trung gian thanh toán như ngân hàng hoặc các đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chức năng trung gian thanh toán.

Nhà đầu tư được các định chế tài chính này cấp biên lai chuyển tiền, phiếu thu xác nhận nên tin tưởng rằng, khi có rủi ro nào đó xảy ra, các đơn vị trung gian thanh toán Việt Nam nói trên sẽ có trách nhiệm đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Tuy nhiên, khi Báo Đầu tư Chứng khoán đặt ra các vấn đề về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khả năng nắm bắt đường đi của dòng tiền đi và về, đại diện truyền thông của một ngân hàng lớn đã đề nghị phóng viên hỗ trợ, không đề cập đến chủ đề này.

Còn trên website của đơn vị trung gian thanh toán thì quy định, khách hàng sẽ luôn phải chịu trách nhiệm với mọi giao dịch. Nếu họ có lý do để cho rằng khách hàng vi phạm những hoạt động bị giới hạn, họ sẽ làm hết mức để bảo vệ mình, chứ không phải bảo vệ khách hàng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng:

CFD là một sản phẩm phái sinh nên nhà đầu tư không thực tế nắm cổ phiếu. Hiện các sàn muốn tăng uy tín và thu hút nhà đầu tư mở tài khoản đã mời chào rằng, mua CFD vẫn được hưởng cổ tức từ các công ty.

Điều này có thể đúng hoặc không. Trong trường hợp đúng, nhà đầu tư thực ra vẫn không có cổ phiếu thật để lĩnh cổ tức.

Có thể sàn mở tài khoản của chính họ trên thị trường Mỹ để lĩnh cổ tức và trả cho nhà đầu tư (dĩ nhiên sau khi trừ phí cho họ). Cần lưu ý là nhà đầu tư mở tài khoản trên TTCK Mỹ hoặc nước ngoài sẽ bị nước sở tại thu phí và thuế rất cao.

Và điều cần lưu ý nhất là do CFD là sản phẩm phái sinh của sàn (không phải của Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ), nên khi sàn đóng cửa thì nhà đầu tư vẫn có thể mất toàn bộ tài sản của mình.

Tin bài liên quan