Chứng khoán phái sinh: Vị thế bán có lợi thế

Chứng khoán phái sinh: Vị thế bán có lợi thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tăng cường trong khi lực mua lên chưa thật sự quyết đoán khiến thanh khoản và chỉ số giảm điểm. Một số dấu hiệu đang ủng hộ trạng thái tích lũy của thị trường, tạo điều kiện cho dòng tiền mới tham gia.

Dòng tiền tập trung vào tài sản mang tính rủi ro

Trên bình diện toàn cầu, thị trường chung gần như căn cứ vào vận động điều chỉnh từ chỉ số USD để có định hướng giải ngân. Nhiều loại tài sản mang tính rủi ro cao trong ngắn hạn như vàng và chứng khoán đều tăng.

Điều này khá phù hợp với những kỳ vọng từ phía các đơn vị phân tích, với kịch bản nhịp tăng lãi suất cuối của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ rơi vào tháng 5/2023. Xét về yếu tố chu kỳ kinh tế, vận động giá từ dầu cũng trở nên tích cực hơn khi ngoài việc siết lại nguồn cung từ OPEC+ thì nhu cầu tiêu thụ cho sản xuất dần phục hồi.

Nhìn nhận một cách khách quan, chỉ số VN-Index khá yếu khi so sánh với định hướng dẫn dắt từ S&P 500. Cụ thể, những thời điểm giá tăng, vận động từ chỉ số này không quá mạnh. Khi thị trường điều chỉnh, thì chứng khoán trong nước có xu hướng giảm nhanh hơn so với chỉ số mang tính dẫn dắt tâm lý toàn cầu.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Đặt trong tình huống hầu hết các tài sản rủi ro đều nằm ở vùng tăng mạnh, thị trường xét về mặt tổng thể đang tích cực hơn. Nhưng nếu đặt kỳ vọng vào đà tăng giá thì giai đoạn hiện tại đang ghi nhận trạng thái mất đà từ hầu hết nhóm chỉ số chứng khoán.

Mặc dù vậy, không phải tất cả đều trong một bức tranh u ám, khi điều kiện vĩ mô đang khá ủng hộ trạng thái tích lũy lần này. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vẫn trong chu kỳ giảm mạnh. Thực tế, tỷ lệ sở hữu trái phiếu từ Fed đã giảm xuống mức thấp trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, thị trường chung có đủ thanh khoản để tăng tốc độ vận chuyển tài sản trong ngắn hạn.

VN30 mất đà tăng

Trong khi nhiều vị thế tham gia kỳ vọng vào một pha bứt phá, thì ngưỡng Fibonacci 50% lại trở nên quá chắc chắn, khiến cho không ít nhà đầu tư thất vọng rút vốn. Theo đó, cơ hội để xác lập xu hướng tăng thất bại và chỉ số VN30 tìm về nền hỗ trợ mạnh gần nhất. Hiện tại, diễn biến này không làm thay đổi quá nhiều bức tranh lớn về trạng thái tích cực mà chỉ số đã xây dựng từ đầu năm 2023.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đặt trong kịch bản giá bứt phá cản kháng cự xu hướng quan trọng từ giai đoạn tháng 9/2022, điều kiện VN30 xét về mặt kỹ thuật không tiêu cực, nhưng thanh khoản giảm dần thể hiện sự thất vọng từ các vị thế lướt sóng ngắn hạn khi chuẩn bị cho pha tăng vượt cản. Áp lực bán tăng cường trong khi lực mua lên chưa thật sự quyết đoán khiến thanh khoản suy giảm. Đồng thời, mẫu hình nến từ đồ thị kỹ thuật thể hiện các nến giảm có độ dài thân tăng dần, báo hiệu áp lực điều chỉnh vẫn còn.

Nhìn về động lượng giá, RSI chưa kịp chạm vào trạng thái quá mua đã nhanh chóng điều chỉnh, khiến xu hướng giá trở nên mờ nhạt. Nhìn ở góc độ tích cực, áp lực bán giúp hạ nhiệt thị trường và mở ra cơ hội cho dòng tiền mới tham gia mua lên.

Vị thế bán phái sinh có lợi thế

Đi cùng với kỳ vọng điều chỉnh từ chỉ số cơ sở VN30, hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) cũng mang xu hướng tiêu cực, thể hiện rõ trên đồ thị kỹ thuật ngắn hạn. Trường hợp không xuất hiện mức vênh Basis dương hỗ trợ (chênh lệch giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở), có thể vận động từ VN30F1M sẽ còn tiêu cực hơn.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Vận động giá trong cung đồ thị ngắn hạn xác lập được xu hướng giảm khi bắt nguồn từ ngưỡng 1.088 và xuyên thủng Fibonacci 50% tại 1.072 điểm. Theo đó, dựa trên quán tính giá, điểm đến tiếp theo từ VN30F1M là 1.054 điểm. Đây là kịch bản khả dĩ nhất về mặt kỹ thuật, nhưng bên mua (Long) có thể sẽ tham gia trở lại.

Thực tế, sự kiên định của bên mua là yếu tố khiến cho mức Basis vẫn dương trên ngưỡng 4 điểm. Nhờ vậy, đà rơi của VN30F1M được kiềm chế và chuyển hướng vận động giá về lại câu chuyện tích lũy. Đồng thời, MACD gần như không cho một tín hiệu giao dịch cụ thể nào cũng phản ánh tình trạng thiếu quyết đoán của bên bán (Short) khi có lợi thế. Thêm vào đó, chỉ báo RSI đưa ra bức tranh áp lực bán tăng cường từ thời điểm phân kỳ âm vùng đỉnh giá 1.088.

Dù vậy, xét ngắn hạn, bên bán có nhiều lợi thế hơn khi được ủng hộ cả về xu hướng và thanh khoản eo hẹp khi kỳ nghỉ lễ sắp đến. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán với mục tiêu giá tìm về ngưỡng cản 1.054 hoặc sâu hơn. Trong kịch bản dòng tiền quay về trạng thái tích lũy và ngưỡng hỗ trợ được giữ vững, lệnh mua có thể được đưa ra. Đối với cả 2 bên mua và bán, nhà đầu tư đều chỉ nên giao dịch trong phiên, hạn chế nắm giữ qua đêm cho đến khi xu hướng mới được thiết lập.

Tin bài liên quan