Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Chứng khoán thấp thỏm, vàng tranh thủ chạy nhanh

(ĐTCK) Tình hình căng thẳng ở Ukraine thêm khi Crưm tuyên bố độc lập, còn Ukraine thành lập Vệ binh cộng hòa mới khiến chứng khoán toàn cầu thấp thỏm, trong khi vàng có thêm động lực để tăng mạnh.
Phố Wall đã có chuỗi ngày tăng điểm ấn tượng từ tuần trước và tuần trước đó. Dow Jones và S&P 500 có 2 tuần tăng liên tiếp, trong đó, S&P 500 liên tiếp thiết lập mốc cao lịch sử mới, trong khi đó, đà tăng của Nasdaq còn ấn tượng hơn với 5 tuần tăng liên tiếp.

Với việc thị trường tăng mạnh, trong khi các bất ổn trên thế giới liên tiếp diễn ra, từ cuộc khủng hoảng Ukraine, đến tình hình kinh tế kém khả quan của Trung Quốc, buộc Ngân hàng Trung ương nước này giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ,  rồi đến vụ máy bay của Maylaysia mất tích một cách bí ẩn… đã buộc giới đầu tư Phố Wall chốt lời trên diện rộng.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin thiếu tích cực từ các doanh nghiệp và bản thân cổ phiếu cũng khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra, đẩy Phố Wall giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày Thứ Ba.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Dow Jones giảm 67,43 điểm (-0,41%), xuống 16.351,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,54 điểm (-0,51%), xuống 1.867,63 điểm. Nasdaq giảm 27,26 điểm (-0,63%), xuống 4.307,19 điểm.

Trong các cổ phiếu đáng chú ý, cổ phiếu của các nhà bán lẻ American Eagle và Urban Outfitters giảm mạnh sau khi triển vọng đáng thất vọng. Trong khi đó, cổ phiếu của General Motors (GM), hãng sản xuất xe hơi lớn nhất của Mỹ cũng mất tới 5,1%, xuống 35,18 USD/cổ phiếu sau khi Các công tố viên liên bang ở New York đang xem xét liệu hãng này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không khi không cung cấp chính xác việc có lỗi trong các xe của mình, khiến tai nạn xảy ra, cướp đi mạng sống của 13 người và buộc hãng phải vào cuộc thu hồi tháng trước.

Một thông tin quan trong với giới đầu tư là cuộc họp chính sách đầu tiên của FED dưới thời Chủ tịch Janet Yellen. Văn bản của cuộc họp này sẽ được công bố vào ngày 19/3, sau nửa giờ trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Chủ tịch FED của Yellen.

Cuộc họp này của FED sẽ bỏ đi tỷ lệ cứng tỷ lệ thất nghiệp 6,5% sẽ tăng lãi suất và bỏ gói kích thích kinh tế, bởi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ thời gian gần đây bất ngờ giảm mạnh và hiện chỉ ở mức 6,7%, rất gần mức mục tiêu mà FED dưỡi thời của cựu Chủ tịch Ben Bernanke đưa ra. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ hiện chưa thực sự khỏe và lại đang chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, vì vậy, rất cần thiết để đưa ra tiêu chí khác, dù không cụ thể, thay thế cho tiêu chí tỷ lệ thất nghiệp ở trên để thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu có sự trái chiều khi chứng khoán Đức bất ngờ hồi phục, trong khi chứng khoán Anh và Pháp vẫn duy  trì đà giảm nhẹ. Chứng khoán châu Âu có dấu hiệu hồi phục trong phiên giao dịch ngày thứ Ba bởi thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, có dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ khi cần thiết. Dù vậy, cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn khiến giới đầu tư không thật yên tâm. Theo thông tin mới nhất, Ukraine đã quyết định thành lập Vệ sinh quốc gia mới, trong khi Quốc hội Crưm đã tán thành việc tách khỏi Ukraine và tuyên bố độc lập.

Với những động thái này, phương Tây và Mỹ đang có kế hoạch trừng phạt Nga, trong khi Nga lại có “vũ khí” khá lợi hại khiến các nước phương Tây e dè là khí đốt. Những diễn biến mới này cho thấy cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang nóng hơn bao giờ hết và đã ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi của chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 3,93 điểm (-0,06%), xuống 6.685,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,29 điểm (+0,46%), lên 9.307,79 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 21,12 điểm (-0,48%), xuống 4.3649,72 điểm.

Chứng khoán châu Á đã phục hồi nhẹ trở lại trong phiên 11/3 khi có báo cáo cho rằng, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng nếu tăng trưởng GDP của nước này dưới 7,5%.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 103,97 điểm (+0,69%), lên 15.224,11 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 4,68 điểm (+0,02%), lên 22.269,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 2,09 điểm (+0,10%), lên 2.001,16 điểm.

Chứng khoán châu Á sẽ chờ đợi về dữ liệu tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Năm này, để xem sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có yếu thật hay không.

Với tình hình ngày càng nóng lên của Ukraine, cùng với những rủi ro tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đã hỗ trợ cho giá vàng tăng mạnh trở lại trong phiên 11/3.

Kết thúc phiên 11/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 9,7 USD (+0,72%), lên 1.349,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 5,2 USD (+0,39%), lên 1.346,7 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu lại có sự trái chiều nhau, trong khi giá dầu Brent quay đầu tăng giá, thì giá dầu thô tại Mỹ tiếp tục giảm giá. Kết thúc phiên 11/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,09 USD (-1,09%), xuống 100,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,47 (+0,43%), lên 108,55 USD/thùng.

Tin bài liên quan