Chịu nhiều thông tin tiêu cực, Phố Wall mất điểm ngay phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Chịu nhiều thông tin tiêu cực, Phố Wall mất điểm ngay phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Vụ máy bay Malaysia mất tích cũng khiến phố Wall rầu lòng

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, căng thẳng ở Ukraine và vụ máy bay của Malaysia mất tích đã ảnh hưởng đến chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch đầu tuần.
Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc tiêu cực đã tác động không chỉ ở thị trường chứng khoán châu Á, mà lan sang cả chứng khoán Âu, Mỹ. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng giảm điểm trong phiên đầu tuần.

Ngoài dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc, Phố Wall còn bị tác động bởi cổ phiếu của Boeing. Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá cổ phiếu của hãng chế tạo máy bay lớn nhất, nhì thế giới này đã mất 1,3%, bởi giới đầu tư lo lắng về khả năng kinh doanh của hãng khi phát hiện “vết rạn” trong cánh của khoảng 40 máy bay Boeing 787 Dreamliner, cùng với đó là vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777 - 200 của hãng hàng không Malaysia Airliner trên khu vực biển Đông cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cổ phiếu của Boeing.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng thận trọng trước những diễn biến phức tạp mới ở Ukraine khi các bên đang có động thái triển khai quân đội quanh bán đảo Crưm. Tiếng súng cũng đã nổ lên và nhắm với người biểu tình ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine, theo truyền thông Nga.

Tuy nhiên, đà giảm của Phố Wall cũng được hãm bớt nhờ cổ phiếu của Facebook và Alexion Pharma. Cổ phiếu Facebook tăng 3,2%, lên 72,03 USD/cổ phiếu sau khi UBS nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu này từ 72 USD lên 90 USD/cổ phiếu. Trong khi cổ phiếu Alexion Pharma tăng tới 7,1%, lên 180 USD/cổ phiếu khi hãng này công bố lợi nhuận khả quan và triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2014.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Dow Jones giảm 34,04 điểm (-0,21%), xuống 16.418,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,87 điểm (-0,05%), xuống 1.877,17 điểm. Nasdaq giảm 1,77 điểm (-0,04%), xuống 4.334,45 điểm.

Chứng khoán châu cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế Trung Quốc, thậm chí mạnh hơn, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp châu Âu. Vì vậy, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm mạnh tỷ giá đồng nhân dân tệ khiến hàng hóa châu Âu xuất vào Trung Quốc đắt đỏ hơn và khó tiêu thụ hơn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu.

Bên cạnh đó, “lò lửa” Ukraine ngày càng nóng hơn cũng khiến giới đầu tư châu Âu lo lắng, không dám mạo hiểm, vì sợ một khi “núi lửa” này phun chảy sẽ không kịp thoát thân.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 23,22 điểm (-0,35%), xuống 6.689,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 85,25 điểm (-0,91%), xuống 9.265,50 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 4,42 điểm (+0,10%), lên 4.3670,84 điểm.

Thị trường châu Á bước vào phiên đầu tuần với thông tin quan trọng về kinh tế, tiền tề của Trung Quốc. Theo báo cáo được công bố hôm 8/3, xuất khẩu tháng 2 của Trung Quốc bất ngờ giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi trước đó, giới phân tích kỳ vọng sẽ tăng 6,8%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Nhập khẩu tháng 2 tăng 10,1%, cao hơn mức dự báo 7,6% được đưa ra trước đó.

Do đó, Trung Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức 23 tỷ USD, mức lớn nhất trong 2 năm. Trong khi đó, lạm phát tăng 2% (thấp nhất trong 13 tháng), báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại.

Trước những dữ liệu này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có động thái giảm tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở mức độ mạnh nhất kể từ tháng 7/2012.

Với thông tin này, chứng khoán châu Á đã lao dốc không phanh trong phiên đầu tuần, chỉ số Shanghai Composite mất mốc 2.000 điểm.  

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 153,93 điểm (-1,01%), xuống 15.120,14 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 395,56 điểm (-1,75%), xuống 22.264,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 58,84 điểm (-2,86%), xuống 1.999,06 điểm.

Với những căng thẳng leo thang tại Ukraine và dấu hiệu yếu đi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc khiến giá vàng hồi phục trở lại lúc đầu phiên và có lúc vươn lên chạm ngưỡng 1.345 USD/ounce. Tuy nhiên, việc sự thận trọng trước những bất ổn trên thế giới của giới đầu tư rất cao, nên khi giá kim loại quý vừa chạm mốc này, lệnh bán chốt lời ngắn hạn đã ngay lập tức được đưa ra, kéo giá vàng thoái lui trở lại và kết thúc phiên chỉ giữ được mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 10/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,3 USD, lên 1.339,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 3,3 USD (+0,25%), lên 1.341,5 USD/ounce.

Giá dầu chịu các thông tin tác động trái ngược nhau trong phiên đầu tuần. Trong khi căng thẳng leo thang ở Ukaine hỗ trợ cho giá dầu tăng, thì việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là nước tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại đã khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên đầu tuần. Kết thúc phiên 10/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,46 USD (-1,44%), xuống 101,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,92 (-0,85%), xuống 108,08 USD/thùng.

Tin bài liên quan