TTCK Mỹ tiếp tục giảm nhẹ: Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1, thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch đầy kịch tính khi giảm mạnh trong những phút đầu giao dịch do tâm lý lo ngại cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp rơi vào thế bế tắc. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan đã quay trở lại giúp các chỉ số chỉ đóng cửa với mức giảm nhẹ, mở ra khả năng hồi phục trong những phiên tiếp theo. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,05% xuống còn 12.653,72 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,25% xuống còn 1.313,02 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,16% xuống còn 2.811,94 điểm.
TTCK châu Âu tiếp tục giảm mạnh: Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/1, thị trường chứng khoán châu Âu mất điểm mạnh nhất trong vòng 6 tuần do trái phiếu Bồ Đào Nha mất giá trước thềm phiên họp Thượng đỉnh của lãnh đạo khu vực eurozone. Chỉ số Stoxx Europe 600 của khu vực eurozone giảm 1,1% xuống 252,52 điểm tại London. Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh quốc giảm 1,09% xuống còn 5.671,09 điểm. Chỉ số DAX của thị trường Đức hạ 1,04% xuống mức 6.444,45 điểm. Chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp giảm 1,6% xuống còn 3.265,66 điểm.
TTCK châu Á mất điểm: Ngày 30/1, thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trước thềm buổi họp thượng đỉnh tại châu Âu bởi lo lắng về khủng hoảng nợ khu vực và thông tin kinh tế Mỹ tăng trưởng kém hơn dự báo của giới chuyên gia. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,76% xuống mức 122,09 điểm tại Tokyo. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản hạ 0,54% xuống mức 8.793,05 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 1,66% xuống mức 20.160,41 điểm. Chỉ số Shanghai Compsite của Trung Quốc giảm 1,41% xuống mức 2.286,35 điểm.
Giá vàng giảm nhẹ: Ngày 30/1, giá vàng giao tháng 4/2012 trên sàn Comex của New York, Mỹ giảm 1 USD/oz xuống còn 1.734,4 USD/oz khi đồng euro giảm mạnh so với đồng USD do ảnh hưởng bởi diễn biến tại Hy Lạp và giới đầu tư đẩy mạnh bán ra chốt lời sau thời gian vàng tăng mạnh trước đó.
Giá dầu tiếp tục hạ: Ngày 30/1, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3/2012 tại thị trường New York, Mỹ giảm 78 cent, tương ứng 0,8%, còn 98,78 USD/thùng do đồng USD tăng cao và triển vọng kinh tế thế giới kém khả quan hơn do châu Âu chưa tìm được giải pháp giải quyếtkhủng hoảng nợ công.
EU thông qua hiệp ước tài chính mới: Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/1 nhất trí về quỹ giải cứu thường trực cho khu vực đồng tiền chung euro (eurozone). Theo đó, Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7 tới, sớm hơn 1 năm so với dự kiến, nhằm hỗ trợ các nước khó khăn về tài chính.
Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng âm: GDP củaTây Ban Nha quý 4/2011 tăng trưởng âm 0,3% so với quý trước đó và tăng 0,3% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng trên tương đương với dự báo của giới chuyên gia.