Chứng khoán toàn cầu lao dốc

Chứng khoán toàn cầu lao dốc

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu, từ Âu, Mỹ tới Á đều lao dốc không phanh trong phiên giao dịch cuối tuần.

Phố Wall tiếp tục giảm mạnh trong phiên cuối tuần do làn sóng bán tháo xảy ra sau khi chỉ số đo lường sự hoảng sợ của nhà đầu tư Phố Wall (VIX) tăng mạnh. Trong đó, chỉ số S&P có tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2012 với mức giảm 2,6% trong tuần qua. Trong khi đó, chỉ số VIX tăng 32%, lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2010.

Tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư Phố Wall bị ảnh hưởng bởi đà bán tháo ở các thị trương mới nổi sau khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố không mấy tích cực.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại về việc FED sẽ cắt giảm bớt 10 tỷ USD/tháng gói QE3 vào tháng tới và lãi suất sẽ bắt đầu tăng lên.

Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 318,24 điểm (-1,96%), xuống 15.879,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,17 điểm (-2,09%), xuống 1.790,29 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 90,70 điểm (-2,15%), xuống 4.128,17 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,5% và chỉ số Nasdaq giảm 1,7%. Đây là mức giảm theo tuần lớn nhất của Dow Jones kể từ tháng 11/2011.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có phiên lao dốc không phanh trong phiên cuối tuần. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong 7 tháng của chứng khoán “Lục địa già”, đánh mất gần như hết những gì đã cố đạt được trong tuần tăng điểm trước đó.

Cũng giống như giới đầu tư Phố Wall, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng tháo chạy trong phiên cuối tuần khi lo ngại về kinh tế và chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế mới nổi ở Mỹ la tinh.

Kết thúc phiên 24/1, FTSE 100 tại Anh giảm 109,54 điểm (-1,62%), xuống 6.663,74 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 239,02 điểm (-2,48%), xuống 9.392,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 119,49 điểm (-2,79%), xuống 4.161,47 điểm.

Dĩ nhiên, chứng khoán châu Á cũng không thoát khỏi cảnh bán tháo trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là chứng khoán Trung Quốc lại hồi phục khá tốt trong phiên này, dù đây là nơi bắt nguồn cho những lo sợ của các nhà đầu tư chứng khoán trên toàn thế giới.

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 304,33 điểm (-1,94%), xuống 15.391,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 283,84 điểm (-1,25%), xuống 22.450,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 12,21 điểm (+0,6%), lên 2.054,39 điểm.

Giá vàng phiên cuối tuần cũng có nhiều biến động khi tăng vọt qua mốc 1.270 USD/ounce. Tưởng chừng giá kim loại quý sẽ leo thang lên các mốc kháng cự mạnh tiếp theo và thậm chí là mốc 1.300 USD/ounce. Tuy nhiên, cùng với sự hoảng loạn của các nhà đầu tư chứng khoán, giới đầu tư vàng cũng nhanh chóng chốt lời, kiến giá vàng lao mạnh và xuống sát mốc 1.260 USD/ounce trước khi hồi nhẹ trở lại và chốt phiên ở mức 1.269 USD/ounce, tăng 4,4 USD/ounce (+0,35%). Trên sàn Comex giá vàng giao tháng 2 tăng 6,5 USD (+0,51%), lên 1.268,8 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu tiếp tục có biến động trái chiều, nhưng theo hướng ngược lại. Trong khi giá dầu thô trên thị trường New York điều chỉnh giảm trở lại khi dữ liệu kinh tế kém khả quan, thì giá dầu Brent lại hồi phục sau chuỗi giảm dài.

Kết thúc phiên 24/1, giá dầu thô trên thị trường New York giảm 0,68 USD (-0,7%), xuống 96,64 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,3 USD (+0,28%), lên 107,88 USD/thùng.

Tin bài liên quan