Chứng khoán Trí Việt hướng tới mô hình Ngân hàng đầu tư

Chứng khoán Trí Việt hướng tới mô hình Ngân hàng đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) đã đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của công ty, với lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng là 163 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Tùng về hoạt động kinh doanh và chiến lược phát triển của công ty.

Ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt từng là giảng viên Học viện Ngân hàng. Năm 2003, ông nhận học bổng chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Trường Ðại học Birmingham (Vương Quốc Anh).

Sau khi tốt nghiệp về nước năm 2005, với tầm nhìn xa và hoài bão lớn, ông Phạm Thanh Tùng đã có một quyết định “táo bạo” tại thời điểm đấy là khởi nghiệp. CTCP Chứng khoán Trí Việt, tiền thân là CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương - được thành lập từ năm 2006- đã được ông Phạm Thanh Tùng mua lại vào năm 2009 và đổi tên thành CTCP Chứng khoán Trí Việt hiện nay.

Được biết lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, TVB có kết quả doanh thu và lợi nhuận ấn tượng, ông có thể chia sẻ thêm về kết quả này?

Sáu tháng đầu năm, TVB đã đạt kết quả lợi nhuận cao nhất trong 15 năm từ khi thành lập. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 163 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 63% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của TVB đạt 242 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm.

Trong đó, hoạt động tự doanh đã đóng góp 138 tỷ chiếm 57% tổng doanh thu, phí môi giới đạt 52 tỷ đồng chiếm 21% doanh thu và doanh thu cho vay ký quỹ đạt 47 tỷ đồng chiếm 19%. Dư nợ cho vay ký quỹ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 700 tỷ đồng.

Bên cạnh sự bùng nổ TTCK Việt Nam năm 2021, yếu tố quan trọng để TVB có kết quả kinh doanh 6 tháng ấn tượng chính là tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Ngay từ quý 3/2020, công ty đã chủ động lựa chọn các mã cổ phiếu bluechip (như HPG, TCB, FPT) để đầu tư. TVB có tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tự doanh lớn (chiếm 57% tổng doanh thu) so với mức dao động từ 27% đến 55% của các CTCK khác.

Hoạt động môi giới của công ty cũng được chú trọng vào chất lượng của hoạt động Tư vấn, với mục tiêu mang lại hiệu quả đầu tư cho khách hàng là trên hết, trước hết.

TVB là công ty chứng khoán có mức chi trả cổ tức ổn định. Năm 2020, công ty đã chi trả cổ tức ở mức 10% vốn điều lệ. Tháng 6/2021 vừa qua, TVB đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 9.6%, là Công ty Chứng khoán tiên phong tạm ứng cổ tức năm 2021 với tỷ lệ cao trên thị trường.

Hiện nay, giá cổ phiếu của TVB đang thấp hơn so với giá cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán khác trên thị trường, ông có bình luận gì về điều này?

Trong 6 tháng đầu năm, giá cổ phiếu TVB đã tăng gần 1,5 lần lên mức quanh 14.500 đồng vào thời điểm hiện nay. So với mức tăng giá của cổ phiếu các công ty chứng khoán từ đầu năm đến nay gấp 2 đến 3 lần thì mức tăng giá của cổ phiếu TVB là thấp, chưa phản ánh tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu.

So với các công ty trong ngành, TVB có mức tăng trưởng lợi nhuận thuộc Top đầu, cụ thể lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 72,29 tỷ, gấp 3,7 lần năm 2019, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 163 tỷ, vượt gấp 2 lần lợi nhuận cả năm 2020.

Các chỉ số ROA và ROE của TVB trong năm 2020 là 7,5% và 12%, cao hơn so với mức trung bình ngành.

Với lợi nhuận như vậy, trailing EPS 4 quý gần nhất của TVB là 3.408 đồng/cp và P/E đang ở mức 4 - 4,5 lần, thấp hơn rất nhiều so với mức P/E bình quân các CTCK là 12. Theo phương pháp định giá P/E, với mức P/E trong cùng ngành đang dao động từ 8-12 lần thì giá cổ phiếu TVB sẽ là 24.000 – 36.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, giá cổ phiếu TVB đang được định giá thấp trên thị trường và chưa phản ánh hết được tiềm năng của công ty cũng như mong muốn của cổ đông.

Được biết Công ty đang có kế hoạch chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, xin ông cho biết thêm về kế hoạch này?

Sau khi đã thực hiện phát hành tăng vốn điều lệ lên 1067 tỷ, từ nửa cuối năm 2021 trở đi, TVB đặt nhiệm vụ trọng tâm là kết duyên với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Trong định hướng phát triển của công ty, Ban lãnh đạo đặt mục tiêu TVB vừa là một Brokerage House chuyên nghiệp trên thị trường, vừa là một Ngân hàng Đầu tư có vị thế, cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng quản lí tài sản cho Khách hàng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư mạnh vào nhân sự và hệ thống, phát triển nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, công ty đang làm việc với các định chế tài chính lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc… với mục tiêu tìm kiếm cổ đông chiến lược, nâng cao năng lực quản trị, đồng thời nhận thêm được các nguồn lực nguồn vốn, khách hàng và cửa ngõ để tiến quân ra thế giới.

Trân trọng cám ơn ông!

Tin bài liên quan