Giá trị giao dịch của sàn HOSE gần đây chỉ xoay quanh mốc 10.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch của sàn HOSE gần đây chỉ xoay quanh mốc 10.000 tỷ đồng.

Chứng khoán và vĩ mô: Vì sao “lệch pha”?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) GDP 9 tháng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, song chỉ số VN-Index lại giảm hơn 30% so với mức đỉnh đầu năm.

“Hàn thử biểu” ngược?

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Trong khi đó, lạm phát 9 tháng chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,88%, dưới ngưỡng mục tiêu 4% được Quốc hội giao.

Thế nhưng, bất chấp những số liệu kinh tế vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc. Tính từ đáy 993,36 điểm mới thiết lập hôm 26/10/2022, chỉ số VN-Index đã mất 93,08 điểm (tương ứng 8,57%) so với đầu tháng 10 và giảm 535,21 điểm (hơn 35%) so với đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm của chỉ số này được thiết lập hôm 6/1/2022. Với diễn biến này, VN-Index đã “gia nhập” nhóm chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.

Ảnh hưởng từ thị trường chung, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết chứng kiến sự “lệch pha” giữa kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu. Đơn cử, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, với việc ghi nhận doanh thu 126.700 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 12.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 90% và 223% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tới cuối tuần qua (28/10), thị giá BSR còn 17.900 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 19% trong vòng 1 tháng.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) vừa báo lãi trước thuế 977 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, cao gấp 3,2 lần cùng kỳ nhưng cổ phiếu CII lại “bốc hơi” tới 26% trong vòng 1 tháng qua, hiện đứng ở mức giá 15.500 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) báo lãi 814 tỷ đồng sau 9 tháng (riêng quý III lãi trước thuế 350 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần cùng kỳ), nhưng cổ phiếu HAG cũng mất 36,5% giá trị chỉ sau 1 tháng…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chịu chung số phận. Các mã LPB (LienVietPostBank), VPB (VPBank), SHB (SHBank) vừa báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm lần lượt tăng 72%; 69% và 79% nhưng giá cổ phiếu giảm lần lượt là 21,3%; 43,8% và 16% trong vòng 1 tháng qua.

Nhóm cổ phiếu ngành điện, vốn được xem là cổ phiếu “phòng thủ” nhờ kinh doanh lĩnh vực thiết yếu, có dòng tiền ổn định, cũng giảm mạnh. Mã QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh) đã giảm 13,4% giá trị cổ phiếu trong vòng 1 tháng, dù lãi trước thuế 9 tháng đầu năm tăng trưởng 88% so với cùng kỳ; mã NT2 (Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch) giảm 13,7% trong khi lãi nhuận 9 tháng tăng trưởng 76% so với cùng kỳ...

Câu chuyện của dòng tiền

Có không ít nhà đầu tư băn khoăn trước sự “lệch pha” này, nhưng thị trường chứng khoán giảm điểm luôn có lý do của nó. Những số liệu vĩ mô quý III, 9 tháng đầu năm, hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đều là số liệu quá khứ, trong khi giá cổ phiếu lại thể hiện kỳ vọng tương lai.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc vào dòng tiền, hơn là phụ thuộc vào GDP thực của nền kinh tế

Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần WiGroup

Đó là chưa kể, như ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần WiGroup, thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc vào dòng tiền (có sự tương đồng với các động thái nới lỏng, thắt chặt tiền tệ) hơn là phụ thuộc tăng trưởng vào GDP thực của nền kinh tế.

Cụ thể, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát khiến đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền trên thế giới và VND cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Dòng vốn ngoại từ mua ròng đã chuyển sang bán ròng mạnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần nâng lãi suất điều hành kể từ đầu tháng 9 tới nay để giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, làm tăng gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi các lĩnh vực rủi ro cao (chứng khoán, bất động sản…).

Mối tương quan chặt chẽ giữa dòng tiền với diễn biến thị trường chứng khoán thể hiện rõ qua việc chỉ số VN-Index tăng 35,7% trong năm 2021 dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, GDP cả năm chỉ tăng 2,58%. Dòng tiền dồi dào thì chứng khoán thăng hoa và ngược lại, ngay cả khi tăng trưởng GDP “lệch pha”.

Còn hiện tại, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, đã xuất hiện "nút thắt thanh khoản” trên cả ba trụ cột của thị trường tài chính là thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu.

Theo chuyên gia, giờ đây nhà đầu tư mất niềm tin nên hầu như “xoay lưng” với trái phiếu doanh nghiệp khiến cho doanh nghiệp không thể phát hành mới, cũng không thể phát hành để đảo nợ. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, thể hiện qua cuộc đua tăng lãi suất huy động thời gian qua. Sự đứt gẫy về thanh khoản trên cả hai thị trường trên khiến cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn đến phải bán cổ phiếu.

Cũng nói về sự đứt gãy thanh khoản này, trong thư gửi nhà đầu tư ngày 26/10, ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ đầu tư ngoại PYN Elite nói rằng, ông “ngạc nhiên và bối rối” khi thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên tiêu cực, diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng nhanh chóng “đóng băng” tài chính của một số doanh nghiệp, mặc dù kinh tế vĩ mô rất tích cực.

“Nếu so sánh diễn biến thị trường Việt Nam với các thị trường Đông Nam Á khác, có thể kết luận rằng 2/3 khoảng thời gian thị trường Việt Nam giảm sâu hơn đều xuất phát từ nguyên nhân nội tại. Các động thái siết chặt của nhà quản lý có thể gia tăng niềm tin trong dài hạn của nhà đầu tư, nhưng trong ngắn hạn đang tạo ra những biến động với thị trường”, Giám đốc Quỹ PYN Elite nói.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam phân tích, thị trường chứng khoán suy giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là dòng tiền cạn kiệt. Cụ thể, trước diễn biến lãi suất, nhiều nhà đầu tư (90% nhà đầu tư là cá nhân, tâm lý dễ dao động) hoảng loạn bán tháo cổ phiếu để gửi tiền vào tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp rút tiền từ kênh cổ phiếu để trả nợ trái phiếu và phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Dự báo xu hướng dòng tiền trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, sau hai lần tăng lãi suất điều hành vào 23/9 và 24/10, rất có thể về cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ còn điều chỉnh tăng thêm 0,5-1 điểm phần trăm lãi suất điều hành để giảm bớt áp lực tỷ giá. Và như vậy, lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục tăng, xu hướng dòng tiền rút ra khỏi kênh chứng khoán vẫn tiếp tục.

Khuyến nghị được chuyên gia Nguyễn Thế Minh đưa ra, nhà đầu tư cần thận trọng nếu muốn bắt đáy giai đoạn này, tốt nhất nên “đứng ngoài” quan sát để chờ đợi xu hướng tăng được xác lập rõ ràng. Đặc biệt, nhà đầu tư nên cẩn thận khi “lướt sóng” tại những phiên tăng giá, đề phòng “mắc kẹt”và chịu khoản thua lỗ lớn khi cổ phiếu chưa về tài khoản.

Tin bài liên quan