Chứng từ kế toán CTCK, sẽ quy định mềm dẻo

Chứng từ kế toán CTCK, sẽ quy định mềm dẻo

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa bày tỏ quan điểm trước đề xuất của các CTCK về hướng quy định hệ thống chứng từ kế toán mới áp dụng đối với CTCK.

Chứng từ kế toán CTCK, sẽ quy định mềm dẻo ảnh 1Các CTCK rất khó “dùng chung” biểu mẫu chứng từ do Bộ Tài chính thiết kế (Ảnh: Internet)

 

“Chiếc áo pháp lý”: Đừng chật chội

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Thông tư về chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK, do Bộ Tài chính vừa tổ chức, nhiều ý kiến đồng ý với Ban soạn thảo về sự cần thiết của việc đưa ra hệ thống chứng từ kế toán phù hợp với đặc thù hoạt động của các CTCK, nhằm đảm bảo công bằng trong tuân thủ, đồng thời phản ánh minh bạch hơn hoạt động của các CTCK. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng cho rằng, cùng với việc đưa ra quy định mang tính thống nhất về hệ thống chứng từ gốc, cần có những quy định theo hướng mở đối với các chứng từ kế toán mang tính nội bộ được CTCK xây dựng trên nền chứng từ gốc, để phù hợp với thực tế hoạt động của các CTCK.

Nếu Ban soạn thảo quy định tất cả các loại chứng từ đều phải tuân thủ các biểu mẫu của Bộ Tài chính, theo Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết, sẽ không khả thi. “Chiếc áo pháp lý” được thiết kế chật chội sẽ gây khó cho các CTCK. Trên thực tế, cùng một nghiệp vụ kinh doanh nhưng hệ thống chứng từ của các CTCK không giống nhau, bởi trình độ và mục tiêu quản trị ở các CTCK có sự khác nhau.

Thực tế trên dẫn đến các CTCK rất khó “dùng chung” biểu mẫu chứng từ do Bộ Tài chính thiết kế. Nói cách khác, có những chỉ tiêu trên biểu mẫu chứng từ do Bộ Tài chính thiết kế CTCK không có thông tin để phản ánh, ngược lại có những thông tin CTCK cần thể hiện trên hệ thống chứng từ, nhưng các chỉ tiêu này lại không có trong hệ thống chứng từ do Bộ Tài chính thiết kế. Điều này vừa khiến các CTCK khó tuân thủ chế độ kế toán mới, vừa không đáp ứng tốt nhu cầu quản trị của CTCK.

Từ ý kiến của các CTCK, câu hỏi đặt ra là liệu các CTCK có tìm cách “làm dễ” cho mình, khi muốn Ban soạn thảo tạo ra không gian riêng, có phần tự chủ cho họ trong sử dụng các loại chứng từ kế toán nội bộ? Điều này có dẫn tới sự không công bằng, thiếu minh bạch trong tuân thủ chế độ kế toán mới?

Những nghi vấn trên, theo cách nhìn của các CTCK là không có cơ sở. Điều này xuất phát từ chính thực tiễn hoạt động của các CTCK cũng như thông lệ quốc tế. Theo đó, với các chứng từ gốc, đương nhiên, cơ quan quản lý buộc các CTCK phải tuân thủ, còn đối với các chứng từ nội bộ, hay tạm gọi là các loại chứng từ “phái sinh” do các CTCK xây dựng dựa trên nền chứng từ gốc, dù cơ quản quản lý muốn đưa ra các biểu mẫu chuẩn, cũng không thể quy định đầy đủ các chỉ tiêu đáp ứng thực tiễn hoạt động luôn biến động của các CTCK. Bởi vậy, các CTCK đang chờ một phương án linh hoạt và hợp lý.

 

Sẽ quy định mềm dẻo với chứng từ nội bộ

Từ ý kiến của các CTCK, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Lê Thị Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư về chế độ kế toán áp dụng đối với CTCK cho hay, Ban soạn thảo nhận thấy nhiều kiến nghị của các CTCK là hợp lý. Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng ý kiến của các CTCK, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện các quy định về hệ thống chứng từ theo hướng vừa siết chặt kỷ luật tuân thủ, vừa đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt cho các CTCK trong áp dụng chế độ kế toán mới.

Theo đó, đối với các chứng từ gốc, Ban soạn thảo đang nghiên cứu tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Thông tư theo hướng đưa ra hệ thống chứng từ chuẩn để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thực hiện. Đối với các chứng từ mang tính nội bộ, quy định pháp lý đang được hoàn thiện theo hướng đảm bảo mức độ tuân thủ tối thiểu của các CTCK. Nói cách khác là Bộ sẽ đưa ra quy định sàn, trên cơ sở đó, tạo điều kiện để các CTCK linh hoạt bổ sung các chỉ tiêu khác vào hệ thống chứng từ kế toán cho phù hợp với đặc thù hoạt động cũng như yêu cầu quản trị khác nhau ở các CTCK…

Bà Hòa cho biết thêm, Ban soạn thảo đang mong đợi thu nhận thêm ý kiến từ các CTCK, các công ty kiểm toán, cũng như các bên liên quan, để dự thảo Thông tư được hoàn thiện hơn, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng. Việc có nhiều ý kiến đa chiều góp ý cho Dự thảo, theo bà Hòa, sẽ tạo thuận lợi cho Ban soạn thảo sớm hoàn chỉnh bản dự thảo, để kịp trình lãnh đạo Bộ Tài chính ký ban hành vào cuối năm nay.