Chuyện bốn nhà!

Chuyện bốn nhà!

(ĐTCK) Trong cuộc sàng lọc đầy khắc nghiệt trên thị trường BĐS hiện tại, để tồn tại và duy trì hoạt động đã là một “khoản lãi” không nhỏ đối với không chỉ các chủ đầu tư.

“Thời buổi này làm gì có chủ đầu tư BĐS nào thoát khiếu kiện, chả to thì nhỏ”. Đó là tiếng thở dài của ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản AZLand khi nói về những thắc mắc, kiện cáo của khách hàng với công ty ông trong thời gian gần đây.

Lời than thở của ông Sơn có thể được chứng thực một cách dễ dàng qua các nguồn thông tin chính thống từ báo chí…, hoặc qua các mạng xã hội như facebook, blog… Ngay số điện thoại đường dây nóng của Đầu tư Bất động sản mới được hình thành vài tháng nay cũng đã nhận cả trăm cuộc gọi, từ than thở, trách móc đến khiếu kiện, tố cáo các chủ đầu tư, từ những chung cư đã sử dụng đến sắp hoàn thiện, đang xây thô, thậm chí chưa giải phóng mặt bằng…

Bình luận về câu chuyện này trong cuộc tiếp xúc với phóng viên Đầu tư Bất động sản tại Hội chợ giao dịch BĐS Hà Nội lần 2 mới được tổ chức, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội buông một câu, “thị trường càng trầm, càng sôi tranh cãi”.

Điều này đúng không chỉ với thị trường BĐS, nhưng nó nổi lên rõ rệt ở một lĩnh vực mà sản phẩm có quan hệ thiết thân đến tất cả mọi người trong xã hội, đó là nhà đất.

Một cái hộp kỹ thuật trong căn hộ chung cư, khi thị trường êm ấm, chả ai để ý là thuộc sở hữu của “ông” nào và “ông” nào phải gánh phần diện tích đó, nhưng hiện tại nó đã và sẽ còn gây ra hàng chục vụ khiếu kiện về phần anh, phần tôi.

Hay như vụ kiện chủ đầu tư Dự án Splendora của khách hàng với nội dung “thi công bậc tam cấp thấp hơn 4 cm so với thiết kế cơ sở” có thể sẽ không xảy ra nếu khách hàng và chủ đầu tư vẫn cơm lành canh ngọt…

Ngay tại Dự án AZ Vân Canh, có khách hàng tự thảo bản cam kết yêu cầu chủ đầu tư AZLand trả lại toàn bộ tiền, buộc ông Sơn phải ký với những nội dung rất sốc, đại loại như “nếu không trả tiền đúng tiến độ, tôi và gia đình sẽ bị trời tru đất diệt”.

“Những câu chuyện ấy đang diễn ra tại rất nhiều dự án và thực tế chúng tôi có lỗi khi chậm tiến độ, nhưng nói thật là có những khách hàng cũng rất quá đáng”, ông Sơn kết luận.

Trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy khó như hiện tại, có lẽ tranh cãi hoặc kể cả đưa nhau ra tòa cũng thật khó đem lại quyền lợi như ý cho từng phía.

Chính vì vậy, theo ông Cường, chỉ có ngồi lại với nhau, mỗi bên chịu thiệt một chút với tâm thức trong những phương án xấu thì chọn cái bớt xấu nhất, thì mới bớt dần những tranh cãi dai dẳng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều hội nghị khách hàng được các chủ đầu tư BĐS tổ chức. Có sự thông cảm, có sự thỏa thuận và tất nhiên không thiếu những bức xúc, tranh cãi, thậm chí mạt sát, nhưng ngồi được với nhau ở hội trường, chắc chắc tốt hơn đối chất với nhau ở tòa.

Tại hội nghị khách hàng cuối tuần qua, AZLand đã “ngửa bài” với khách hàng như vậy. Theo ông Sơn, mô hình 4 nhà cùng liên kết đã được đưa ra xin ý kiến. Trong đó, ngân hàng đã chấp nhận tiếp tục rót vốn, chủ đầu tư cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực phát triển dự án, nhà thầu xây dựng tập trung máy móc thi công, khách hàng tiếp tục theo dự án sẽ nộp tiền vào một tài khoản tổng do khách quản lý và trả tiền theo tiến độ hàng tháng. Những ai phản đối sẽ được quyền ký gửi sản phẩm vào sàn giao dịch để Công ty tìm khách hàng mới.

“Dự liệu sẽ có khoảng 20 - 25% khách hàng chọn phương án không tiếp tục theo dự án và chúng tôi phải chấp nhận điều này”, ông Sơn nói và cho rằng, trong “mô hình 4 nhà” này, mỗi bên phải hy sinh một chút. Đặc biệt là chủ đầu tư phải chấp nhận đứng ra bên ngoài một phần cuộc chơi chỉ với mong muốn hoàn tất “gánh nợ” dự án, chứ đừng mong lãi lờ gì.

Điều vị đại diện chủ đầu tư này nói là đúng, nhưng chưa đủ. Có lẽ phải nói thêm rằng, trong cuộc sàng lọc đầy khắc nghiệt trên thị trường BĐS hiện tại, để tồn tại và duy trì hoạt động đã là một “khoản lãi” không nhỏ đối với không chỉ các chủ đầu tư.