Chuyển đổi số hóa thương mại để giữ vững cán cân xuất siêu

Chuyển đổi số hóa thương mại để giữ vững cán cân xuất siêu

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường kỹ thuật số

Cụ thể, về phương thức triển khai, Bộ Công thương cho biết trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ trực tiếp triển khai và hướng dẫn, phối hợp các địa phương, tổ chức trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm Hội nghị, kết nối giao thương, đào tạo, tập huấn trực tuyến;

Tham gia gian hàng trực tuyến của các Hội chợ - triển lãm lớn, uy tín trên thế giới hoặc tổ chức hội chợ, triển lãm trực tuyến cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại; triển khai hệ thống dữ liệu dùng chung về xuất nhập khẩu như mặt hàng, thị trường...

Cơ quan này cũng cho biết đang xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng App Hệ sinh thái về xúc tiến thương mại, một nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại một cách toàn diện.

Vận hành trên môi trường công nghệ thông tin, ứng dụng này cho phép người dùng là doanh nghiệp, nhà xuất khẩu có thể tải miễn phí từ Apple Store hay Android để sử dụng trên điện thoại thông minh, ipad, máy tính và giúp kết nối, giao thương trực tuyến với đa dạng các thị trường, các ngành hàng, mặt hàng.

Ngoài ra, để huy động và chuẩn bị tốt các nguồn lực triển khai cho hệ thống xúc tiến thương mại của Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, cán bộ phụ trách xúc tiến thương mại của các địa phương, hiệp hội nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến mới; đồng thời thông qua các lớp đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu đến các doanh nghiệp.

Đây được coi là loạt giải pháp nhằm thích ứng với các kịch bản và biện pháp phục hồi nền kinh tế đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Mục đích nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và có thể đón các cơ hội mới sau đại dịch trong bối cảnh cần có sự điều chỉnh tổng thể cho cả nền kinh tế cũng như riêng cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.

"Trên cơ sở đánh giá kết quả bước đầu triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến, việc phối đồng bộ các giải pháp này sẽ được Cục Xúc tiến thương mại triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này, góp phần hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu", lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.

Kết nối giao thương trực tuyến 500 phiên giao dịch, thúc đẩy xuất khẩu

Số liệu thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, đến nay, tổng số lượt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối giao thương trực tuyến thành công là khoảng 100.000 lượt, đồng thời đa dạng các mặt hàng tham gia giao thương như: sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...

Trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm về cơ bản phải hủy hoặc hoãn thực hiện.

Tuy nhiên, đã có 50 hội nghị quốc tế trực tuyến và trên 500 phiên giao thương trực tuyến được tổ chức, phủ khắp 5 châu, bao gồm 45 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và một số thị trường xa ở như châu Phi, Úc...).

Bên cạnh đó, đã diễn nhiều sự kiện Hội chợ ảo, triển lãm, gian hàng trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba, Global source; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt Nam; đào tạo, tập huấn online cũng đã được tổ chức và được sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp và các địa phương.

Về hoạt động kết nối cung cầu trong nước và quốc tế, với sự phối hợp và hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, nhiều địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Lâm Đồng, Yên Bái đã tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm quảng bá và ký kết thỏa thuận tiêu thụ với số lượng lớn nông sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau củ quả…

Theo đánh giá của Bộ Công thương, với việc triển khai tích cực hoạt động xúc tiến thương trực tuyến đã góp phần duy trì và thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 10 tháng năm 2020.

Trong đó, đáng chú ý có những mặt hàng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như nông sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các mặt hàng thủy sản, sản phẩm chế biến chế tạo, qua đó duy trì xuất siêu trong cán cân thương mại 10 tháng năm 2020.

Để tiếp tục tận dụng và tối ưu hóa hiệu quả khai thác từ các cơ hội này, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, từ nay tới cuối năm 2020 và sang năm 2021 sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì và mở rộng thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đề nghị đối tác có thể thẩm tra năng lực của doanh nghiệp mình thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tin bài liên quan