Chuyên gia giải mã các "biến số" quan trọng năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thời gian biến động mạnh, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong vài tuần qua. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều biến số quan trọng nhà đầu tư cần chú ý trong năm 2023. 

Thanh khoản đã bớt căng thẳng

Sau những căng thẳng trên thị trường vốn và tiền tệ diễn ra tháng 10, 11, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra những chính sách mới.

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 9 với chủ đề: Nhận diện biến số năm 2023, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research thông tin, trong tháng 11, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản.

Sang tháng 12, Chính phủ đưa ra thông tin có thể sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là điều kiện cho phép giãn thời hạn đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm khoảng 2 năm nữa với điều kiện được 65% trái chủ đồng ý và cho phép chuyển đổi trái phiếu sang các dạng tài sản khác như: các khoản cho vay hay bất động sản.

Đồng thời, trong tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% cho các ngân hàng. Trong các buổi họp giữa các ngân hàng thương mại và Hiệp hội Ngân hàng, NHNN cũng đưa ra thông điệp là lãi suất huy động cần được giữ ở mức tối đa là 9,5%/năm sau khi tính cả những khoản lãi suất thường.

“Ngay khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và lạm phát phần nào được kiểm soát, chúng ta thấy Chính phủ đã có các biện pháp để phần nào gỡ vấn đề tắc thanh khoản trong ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng cũng như trên thị trường vốn. Đồng thời cũng đưa ra một quyết tâm lãi suất cần được duy trì ở mức ổn định và hợp lý hơn”, bà Phương cho biết.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research. Ảnh: Dũng Minh

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research. Ảnh: Dũng Minh

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF), VinaCapital cũng đánh giá, với việc nới room tín dụng lên 15,5 - 16% (thay vì 14% như kỳ vọng), các ngân hàng thỏa mãn được tiêu chí thanh khoản sẽ có dư địa hỗ trợ cho vay, giải quyết các nút thắt về vốn sản xuất kinh doanh, thậm chí người mua nhà.

Dù những động thái trên sẽ làm giảm bớt căng thẳng trong ngắn hạn, tuy nhiên, VinaCapital cho rằng, hiệu ứng hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ diễn ra từ từ. Thứ nhất, việc NHNN mua USD chỉ xảy ra khi giá USD trong ngân hàng tiếp tục giảm, cân đối với nguồn USD mà Việt Nam thu hút được trong thời gian sắp tới.

Thứ hai, niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa trở lại, nên còn cần thời gian để thương thảo các khoản nợ và các khoản trái phiếu doanh nghiệp lớn đáo hạn trong 2023.

Thứ ba, lãi huy động vẫn cao ở một số ngân hàng thanh khoản kém do tỷ lệ LDR theo quy định mới. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữ ở nền cao sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu vay, đặc biệt nhu cầu mua bất động sản, sẽ vẫn tạo áp lực dòng tiền cho các doanh nghiệp bất động sản. Nên mặc dù các ngân hàng cam kết trần huy động lãi suất ở mức 9,5%, nhưng tốc độ hạ lãi suất từ mức 10 - 11% hiện tại sẽ diễn ra chậm.

“Một điểm tích cực là chủ trương hướng tín dụng đến các lĩnh vực thiết yếu, sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu, hạn chế dòng vốn trực tiếp vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Các doanh nghiệp hứng được dòng vốn này sẽ có cơ hội bứt phá, thể hiện trên kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu”, bà Nguyễn Hoài Phương phân tích.

"Biến số" từ kinh tế thế giới

Bà Hoàng Việt Phương nhìn nhận, rủi ro đáng sợ nhất năm 2022 là lạm phát. Tuy nhiên, những thời điểm căng thẳng nhất của việc Fed tăng lãi suất trong các tháng gần đây đã qua, và đã có những dự báo lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed sẽ diễn ra trong quý I/2023. Dù vậy, khi rủi ro lãi suất hạ nhiệt, chúng ta lại đón nhận rủi ro suy thoái tăng dần lên.

Mức tăng lạm phát tháng 11 của Mỹ đã giảm đi khá nhiều, tuy nhiên, con số bán lẻ của một số ngành hàng tiêu dùng chính như hàng điện tử, nội thất, mô tô xe máy có mức giảm khá mạnh. Lý do là người tiêu dùng giảm chi tiêu, trong đó nổi bật nhất là việc tăng lãi suất sẽ ngấm dần dần và tác động đến chi tiêu của người dân. Đồng thời, thị trường việc làm cũng ngày càng khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Hoài Phương cũng có quan điểm, tâm điểm của kinh tế thế giới trong 2023 vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài trong bao lâu, dựa trên dự báo khi nào lạm phát cơ bản sẽ hạ nhiệt. Mặc dù tốc độ tăng lãi suất của Fed đang chậm lại, nhưng lãi suất vẫn chưa đạt đỉnh. Ngoài ra, các quốc gia khác ngoài Mỹ như Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, rủi ro chính trị như căng thẳng Nga – Ukraine, quan hệ giữa Mỹ - Trung và Đài Loan có thể làm ảnh hưởng kinh tế thế giới và chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trong căng thẳng đó, các doanh nghiệp tiếp tục chuyển dịch sản xuất để giảm rủi ro và Việt Nam là một trong các nước hưởng lợi FDI.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF), VinaCapital trao đổi qua zoom.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF), VinaCapital trao đổi qua zoom.

Còn theo chuyên gia SSI Research, rủi ro suy thoái của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ tác động trực tiếp đến các ngành xuất khẩu. Trong tháng 11, xuất khẩu Việt Nam giảm 8,9% so với cùng kỳ và điều này có thể gây ra tác động dây chuyền đến một số các ngành khác, ảnh hưởng đến tiêu dùng chung trong nước.

Mặt khác, sang năm tới, khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại, các quốc gia xuất khẩu và du lịch có liên quan đến Trung Quốc sẽ hưởng lợi, đó cũng là một yếu tố thúc đẩy những quốc gia như Việt Nam có tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan