Chuyên gia VCBF: “Thị trường đang trong giai đoạn dễ có lợi nhuận nhanh từ cổ phiếu”

Chuyên gia VCBF: “Thị trường đang trong giai đoạn dễ có lợi nhuận nhanh từ cổ phiếu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chuyên gia VCBF, chứng khoán là một kênh rất hiệu quả trong dài hạn với lợi nhuận hấp dẫn so với mức lãi suất tiền gửi trung bình 5-7%/năm. Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư không thể "đánh bại" thị trường vì giao dịch quá nhiều và thiếu quản trị rủi ro.

Tại buổi chia sẻ “Mốt đầu tư 2024”, ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng, tín dụng tăng trưởng, nền kinh tế cũng như lợi nhuận doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng trở lại từ nền thấp, đây là thời điểm dễ có lợi nhuận nhanh từ cổ phiếu.

“Tuy nhiên, định giá cổ phiếu hiện tại không còn ở mức rất rẻ, mức độ lạc quan đang gia tăng và sự kỳ vọng vào lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi đang dần phản ánh vào giá cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với rủi ro tăng lên. Nhà đầu tư cần quản trị kỳ vọng và quản trị rủi ro trong giai đoạn này", ông Nhân nhấn mạnh.

Khẳng định chứng khoán là một kênh rất hiệu quả trong dài hạn, ông Nhân cho biết, có thể nhìn số liệu để chứng minh, từ khi thị trường thành lập năm 2001 tới nay, tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm khi đầu tư theo chỉ số VN-Index là 11,3% và nếu tái đầu tư cổ tức liên tiếp hàng năm vào thì lợi nhuận đầu tư bình quân là 13,5%/năm. Đây là mức hấp dẫn, hiệu quả trong dài hạn, nhất là so với mức lãi suất trung bình khoảng 5-7%/năm.

Ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

Ông Phạm Lê Duy Nhân, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

Một điểm cần nhấn mạnh là phần lớn nhà đầu tư không đánh bại thị trường. Ở Việt Nam chưa có những số liệu thống kê vấn đề này, nhưng lấy dữ liệu tại thị trường Mỹ, trong hơn 20 năm qua từ 2002-2024, nếu đầu tư vào chỉ số S&P 500 thì có thể tạo ra lợi nhuận 9,5%/năm, tuy nhiên một nhà đầu tư bình thường tại Mỹ chỉ tạo ra lợi nhuận khoảng 3,6%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận thị trường chung mang lại.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này. Thứ nhất là việc chúng ta giao dịch chứng khoán quá nhiều, khiến phí giao dịch bào mòn lợi nhuận. Nhà đầu tư cá nhân dễ chịu tác động tâm lý khi thị trường tăng - giảm, mua khi giá tăng mạnh và bán khi giá giảm mạnh dẫn tới thua lỗ.

Một nguyên nhân nữa là nhà đầu tư ít chú trọng tới quản trị rủi ro và không đa dạng hoá danh mục một cách hợp lý”, ông Nhân cho biết.

Chuyên gia VCBF cũng chia sẻ về các yếu tố rủi ro thị trường đang phải đối mặt đối mặt. Với các yếu tố bên ngoài, tuy một số nền kinh tế lớn trên thế giới có rủi ro hạ lãi suất trong năm nay, nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất tại Mỹ và EU sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian dài. Theo dự tính của VCBF, phải tới cuối 2025 Mỹ mới đạt được mức lạm phát mục tiêu đề ra và châu Âu là vào khoảng cuối 2026.

Những dự báo mới nhất của các tổ chức tài chính quốc tế cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều khu vực lớn như Mỹ dự báo tăng trưởng năm 2024 đạt 1,4%, EU dự báo tăng trưởng 0,6% năm 2024, Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 5% trong năm nay.

Bên cạnh đó, yếu tố căng thẳng địa chính trị bao gồm cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa rõ kết cục, căng thẳng tại Biển Đỏ và nhất là cuộc bầu cử tại Mỹ vào cuối năm 2024.

Với thị trường trong nước, rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hiện hữu. Giá trị đến hạn trái phiếu phi ngân hàng năm 2024 và 2025 lần lượt là 278,2 và 294,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, một lượng lớn trong số này thực chất đã “vỡ nợ" trong giai đoạn trước nhưng được kéo dài thêm thời gian 1-2 năm và sẽ đến hạn năm 2024-2025, tạo áp lực cho thị trường tài chính.

Tỷ giá cũng là một câu chuyện nóng trong thời gian gần đây. Cũng giống như năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng công cụ tín phiếu để hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống và đây cũng là tín hiệu cho thấy tỷ giá đang nóng.

Tuy nhiên giai đoạn hiện tại, VCBF cho rằng cơ hội nhiều hơn rủi ro, trong đó có thể kể tới các yếu tố như chu kỳ tăng lãi suất ở Mỹ và EU đã kết thúc. Ở trong nước, các tín hiệu tích cực xuất hiện, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại nhờ lượng đơn hàng tăng lên, xuất và nhập khẩu duy trì tăng trưởng vững chắc, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đón khách du lịch nước ngoài; đầu tư công và dòng vốn FDI tiếp tục là động lực…

“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 19,1% năm 2024”, ông Nhân cho biết.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát. Mặt bằng lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp kỷ lục (kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi trong khoảng 4,7% - 5,5%) và lãi suất cho vay giảm nhanh thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.

“Chúng ta thấy một số ngân hàng đang chào các gói cho vay lãi suất 6-7%/năm cố định trong vòng 2-3 năm. Đây là mức lãi suất cực kỳ hấp dẫn", ông Nhân ví dụ.

“Chính phủ đã có nhiều động thái trong việc thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi. Điều này sẽ hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và dưới góc nhìn của VCBF, điều này hoàn toàn có thể diễn ra năm 2025”, ông Nhân chia sẻ.

Tin bài liên quan