Chuyển giao công nghệ từ khối FDI còn hạn chế

Chuyển giao công nghệ từ khối FDI còn hạn chế

(ĐTCK) Thừa nhận việc chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa như mong đợi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, cần sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tại Hội thảo chuyên đề về thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, Thứ trưởng Phương khẳng định, thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao so với thời kỳ trước. Do áp lực cạnh tranh ngày càng cao từ sản phẩm khu vực FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu. Đây chính là quá trình chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, ông Phương cho rằng, các dự án FDI chủ yếu vẫn tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Doanh nghiệp FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt trong nước để cùng tham gia vào chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng.

"Sự lan toả công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta phải xác định thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu là một trong những ưu tiên hàng đầu. Có như vậy, chúng ta mới bắt kịp với các nước trong khu vực”, ông Phương khẳng định.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả phân tích từ các khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ công nghệ chuyển giao thông qua các doanh nghiệp theo liên kết dọc (doanh nghiệp khác ngành) là khá đáng kể và có xu hướng tăng, tuy nhiên chủ yếu qua các doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ chuyển giao qua các doanh nghiệp nước ngoài là rất khiêm tốn, chỉ đạt dưới 10%.

Với kênh liên kết ngang, kết quả điều tra cho thấy, rất ít công nghệ được chuyển giao qua các doanh nghiệp cùng ngành, bất kể là doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước. Điều này cho thấy việc chuyển giao công nghệ còn khá hạn chế từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước.

Để cải thiện tình trạng này, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần đẩy mạnh chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước.

Đánh giá tác động lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mặc dù đã có những tác động tích cực đến năng suất của khu vực doanh nghiệp trong nước, song tác động lan tỏa từ chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI vẫn còn yếu. Có rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Để nâng cao hiệu quả của quá trình này, bà Tuệ Anh cho rằng, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và hợp tác, liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cần hướng tới mục tiêu tăng năng lực cho doanh nghiệp để sẵn sàng liên kết, hấp thu công nghệ và tiếp nhận chuyển giao kỹ năng; chính sách phát triển doanh nghiệp cần hướng đến tăng quy mô của doanh nghiệp; khuyến khích quy mô lớn; phát triển cụm ngành tạo điều kiện liên kết.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ lại đề xuất, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động.

“Quỹ này phải hoạt động như một tổ chức tài chính và không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi cho việc tiếp nhận, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, ông Xuyên khuyến nghị.                            

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD; trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD, bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông, đồng thời góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh trên thị trường trong nước.

Tin bài liên quan