Chuyện ngày Xuân với tân Chủ tịch HNX

Chuyện ngày Xuân với tân Chủ tịch HNX

(ĐTCK) Trong cái lạnh đến se lòng của một chiều đông Hà Nội, chúng tôi tìm gặp tân Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng như để tìm những cảm nhận mới, những suy nghĩ mới của ông ở cương vị Chủ tịch của 1 trong 2 Sở GDCK tại Việt Nam.

Ông - một gương mặt đã rất quen của cánh nhà báo, như thường lệ, vẫn đón chúng tôi với nụ cười nồng hậu, để rồi sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, phản biện mọi vấn đề, ngược xuôi, xuôi ngược mà chúng tôi chất vấn, cho đến khi không còn gì để hỏi nữa mới thôi…

 

Phân vai Sở chính, Sở phụ

Vấn đề cánh nhà báo chúng tôi cứ nghĩ rằng gai góc nhất, thời sự nhất, nhạy cảm nhất với vị tân Chủ tịch này là việc xác định HNX ở đâu trong chủ trương hợp nhất 2 Sở, đã được ghi rõ trong Đề án tái cấu trúc TTCK của Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2012. “Dư luận vẫn cứ đồn đại là có một cuộc cạnh tranh ngầm, rất gay gắt giữa 2 Sở GDCK tại Việt Nam để xác định ai là “đào” chính, ai là “kép” phụ trong công cuộc tái cấu trúc Sở GDCK. Thực tế có phải như vậy không, thưa ông?”, tôi hỏi. Đáp lại bằng một nụ cười hóm hỉnh như cười vào tâm lý thích “giật gân” của nhà báo, ông bảo, hợp nhất 2 Sở để ra kết quả là 1 chủ thể (Sở GDCK Việt Nam) thì làm gì có vai chính, vai phụ nữa. Cách đặt vấn đề như vậy không đúng rồi. Nếu có cuộc đua thì đó là cuộc đua với thời gian của SGDCK Việt Nam để cấu trúc lại TTCK như thế nào mà có thể phát huy được các lợi thế hiện có, phát triển đồng bộ các mảng thị trường quan trọng là thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường cho các sản phẩm phái sinh.

Bị bất ngờ trước câu trả lời quá đơn giản của ông, tôi tiếp tục phản biện: hồi mới ra đời HNX, ông từng nói mô hình 1 TTCK có 2 Sở, như 2 tướng “đánh” 2 đầu, sẽ vừa tạo ra động lực từ sự cạnh tranh, vừa tạo ra sức mạnh để sớm thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường chính thức. Nay HOSE mới có 12 năm còn HNX mới có 7 năm hoạt động, đã phải tính việc hợp nhất, ông có thấy ngược không?. “Bất kỳ chủ thể nào ra đời cũng mang trên mình một sứ mệnh và chỉ có giai đoạn nhất định để thực hiện sứ mệnh đó”, ông giải thích. Ngày xưa hai tướng hai đầu mở mang bờ cõi, nay hai đạo quân đông hơn, tinh nhuệ hơn hợp nhất lại sẽ tạo ra sức mạnh gấp nhiều lần để sẵn sàng cho các thử thách mới lớn hơn. Trên thế giới, xu hướng sáp nhập các sở GDCK diễn ra khá phổ biến, nhiều nước trong khu vực phải mất mấy chục năm mới hợp nhất được về mô hình 1 Sở, nhưng cũng có nhiều nước chưa thực hiện xong được. Không có mô hình nào là hoàn hảo và nó còn phụ thuộc vào đặc trưng phát triển của mỗi nền kinh tế, nhưng ông tin rằng, định hướng hợp nhất 2 Sở ở Việt Nam là một hướng đi đúng ở thời điểm hiện tại

Nếu hợp nhất 2 Sở vẫn ở “thì tương lai”, thì có một sự thay đổi lớn, đáng được coi là bước ngoặt trong mô hình tổ chức TTCK Việt Nam diễn ra vào cuối năm 2012, khi HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán có Chủ tịch mới, đồng nghĩa với việc UBCK chính thức rút khỏi HĐQT của HNX, của VSD và trước đó là của HOSE. Tôi hỏi: việc tách UBCK ra khỏi vai trò lãnh đạo 2 Sở, Trung tâm Lưu ký chứng khoán phải chăng là sự nới lỏng quản lý đối với hoạt động của Sở? “Hoàn toàn ngược lại” , ông thẳng thắn phản biện. Việc UBCK không kiêm nhiệm lãnh đạo Sở GDCK, theo đó sẽ khiến vị trí của Sở độc lập hơn, nhưng cũng đồng thời Sở phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, khách quan hơn từ cả Bộ Tài chính và UBCK trong mọi hoạt động.

Cảm nhận về mô hình sở GDCK là công ty cổ phần như nhiều sở quốc tế, ông nói không thích mô hình này, bởi nó đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, vì lợi nhuận, không phù hợp với thực tế ở Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Lãnh đạo một số sở GDCK lớn như Nhật Bản gần đây cũng khuyến cáo là các sở cần cân bằng vai trò tổ chức thị trường và vai trò quản lý TTCK. TTCK của chúng ta đi sau cả trăm năm so với quốc tế, con đường trước mắt còn dài và vì thế, chúng ta có cơ hội để vừa học tập, vừa trải nghiệm các mô hình quản lý phù hợp.

 

Thành công và trăn trở

Không phủ nhận những gì TTCK trải qua năm 2012 là khó khăn, thậm chí trong mắt nhiều người, đó là năm khó khăn nhất, nhưng nếu trở lại xuất phát năm 2000, theo Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng, chắc chắc nhiều người không thể hình dung được TTCK nước ta sau 12 năm lại được như bây giờ. Trong rất nhiều cái được, cái được lớn nhất có lẽ từ sự kiên trì tạo dựng một TTCK hướng đến sự minh bạch, để sau 12 năm, định hướng ấy đang lan tỏa dần ra cả nền kinh tế. Cũng có những sự tiếc nuối, để nếu được làm lại, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn. “Nếu bước đi của thị trường chậm hơn và chắc hơn”, ông nói, “nếu một số nhà đầu tư không quá phấn khích và thất vọng, nếu một số tổ chức phát hành không quá lạm dụng việc huy động và sử dụng vốn, nếu một số tổ chức tài chính trung gian không quá tranh thủ cơ hội kiếm lợi… thì TTCK Việt Nam hiện nay sẽ gọn gẽ và đẹp hơn nhiều”. Trong trào lưu cuồn cuộn tăng điểm của TTCK năm 2007-2008, mọi sự kiềm chế, cảnh báo của cơ quan quản lý dường như đều bị bỏ qua, đề rồi “sau cơn mê này”, TTCK rơi vào trạng thái trầm lắng kéo dài, thử thách lòng kiên nhẫn của  tất cả các thành viên.

Trong góc nhìn của Chủ tịch HNX, sự chìm nổi của TTCK Việt Nam mang đặc trưng của một thị trường mới nổi, mà bất kỳ TTCK nào cũng phải nếm trải, dù ít dù nhiều. Trong khó khăn tưởng như khó vượt qua của năm 2012, thị trường trái phiếu lại là một điểm sáng nổi bật khi qua kênh này, dòng vốn tiếp tục chảy và phân bổ một cách hợp lý nhất. Kinh tế suy giảm, nhiều DN gặp khó khăn, đầu tư tư nhân bị thắt chặt, dòng vốn nhàn rỗi trong dân đọng lại ở hệ thống ngân hàng. Về lý thuyết, khi khu vực đầu tư tư nhân không hấp thụ được vốn, khu vực đầu tư công phải mở rộng mới có thể duy trì tổng mức đầu tư toàn xã hội. Vậy Việt Nam đã giải bài toán này thế nào?

Chuyện ngày Xuân với tân Chủ tịch HNX ảnh 1

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK Nyse-Euronext dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức bộ, ngành

Bằng nhiều nỗ lực cải thiện hệ thống đấu thầu, hệ thống thông tin, giao dịch, năm 2012, kênh huy động vốn qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX đã huy động được gần 170.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi từ công chúng vào ngân sách nhà nước, tạo nên một nguồn lực rất lớn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư công. Dòng tiền trong dân vì thế không bị ứ đọng, mà cứ liên tục chảy, góp phần không nhỏ giữ nhịp tăng trưởng cho cả nền kinh tế trong trước mắt và dài hạn. “Việt Nam là nước có đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội, do vậy hiệu quả đầu tư công quyết định hiệu quả đầu tư của nền kinh tế; và nếu công trình nào cũng được hoàn thành đúng hạn, hay trước hạn như Thủy điện Sơn La thì 10 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ có diện mạo khác”, Chủ tịch HNX nhận định.

Năm 2012, thị trường trái phiếu ghi một dấu ấn đẹp, khi sự sôi động của kênh đầu tư này đã giúp dòng tiền trong nền kinh tế liên tục chảy mạnh, giúp Ngân sách huy động lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển. Ở đó, còn có một sự kiện lịch sử, khi tín phiếu kho bạc lần đầu tiên trong 20 năm có mặt ở Việt Nam, được đưa lên sàn niêm yết. Nói như Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Minh Hằng, thì nỗ lực đưa tín phiếu lên sàn là một dấu son của TTCK năm 2012, không chỉ kích hoạt tính thanh khoản của tín phiếu, mà còn mở ra một cơ hội mới cho nhà đầu tư đại chúng tiếp cận sản phẩm này. Trong cảm nhận của Chủ tịch HNX, điều hạnh phúc nhất khi tín phiếu lên sàn là được góp phần cụ thể hóa thêm một sự kết nối trong điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ, một chủ trương mà người đứng đầu 2 ngành ngay khi nhậm chức, rất mong muốn thực thi.

Nếu thị trường trái phiếu tỏa sáng năm 2012 với những thành tích nổi bật, thì thị trường cổ phiếu năm 2012 khép lại với rất nhiều trăn trở. Năm 2012, lần đầu tiên một số DN niêm yết có tâm lý thoái sàn, vì giá cổ phiếu xuống thấp, bản thân DN không huy động được vốn. Năm 2012, dù 2 Sở đã có nhiều giải pháp kỹ thuật, cải thiện thanh khoản và hình ảnh TTCK, nhưng thanh khoản vẫn thấp, trong 30 cổ phiếu giới thiệu trên cổng thông tin TTCK ASEAN, có không ít cổ phiếu nhỏ, giao dịch dưới mệnh giá… Làm thế nào để kích hoạt thị trường cổ phiếu? Làm thế nào để thu hút vốn quốc tế vào TTCK? Làm thế nào giúp các DN huy động được vốn trung và dài hạn? Làm thế nào để có thêm sản phẩm mới cho nhà đầu tư?... Những câu hỏi của nhà báo cứ nối tiếp nhau như những đòi hỏi liên tục mà thị trường đặt lên vai các nhà tổ chức và quản lý thị trường. Đặt ra câu hỏi/yêu cầu thì dễ, nhưng để xây được một thị trường, cần không chỉ cần 1 năm, 3 năm mà còn có thể nhiều hơn thế. Nhấp một ngụm trà nóng như để bình tâm trước những mong đợi dồn dập của thị trường, ông bảo, cái nền của TTCK cứ nói đi nói lại, vẫn là ở xây dựng hệ thống sản phẩm và sự minh bạch. “Có rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện hệ thống thị trường và tăng cường sự minh bạch. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để thực thi nhiệm vụ này”, ông nói.

Chia tay ông, trên đường về, không hiểu sao, tôi nhớ tới câu nói của W.Gớt: “Tiêu chuẩn đánh giá con người là khát vọng vươn tới sự hoàn chỉnh”. Nếu vậy, tiêu chuẩn đánh giá một thị trường hiệu quả là gì nhỉ? Như cách mà Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng nói thì chắc chắn phải có sự minh bạch. Bỗng nhớ đến dự thảo Nghị định quản lý các tập đoàn, tổng công ty mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn, có yêu cầu DNNN phải minh bạch như DN niêm yết, lòng thấy vui sao với các anh, chị ngành chứng khoán. Bao thăng trầm, sóng gió vẫn kiên định vạch một con đường về sự minh bạch, dù có thể còn phải làm nhiều hơn nữa, nhưng nỗ lực này đã được ghi nhận và trở thành điểm hướng đến của nhiều chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam.