CII: Kênh hút vốn từ trái phiếu nguội dần

CII: Kênh hút vốn từ trái phiếu nguội dần

0:00 / 0:00
0:00

Kênh hút vốn từ trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đang kém dần, tạo thách thức lớn đối với nguồn tài chính đầu vào cho doanh nghiệp này thời gian tới.

Kênh trái phiếu nguội dần

Không còn thuận buồm xuôi gió như trước đây, Công ty chỉ bán được 32,98% số trái phiếu chào bán trong đợt phát hành trái phiếu gần đây.

Đây là loại trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền. Mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng, thời hạn 5 năm, lãi suất 11%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Tổng khối lượng vốn huy động dự kiến từ đợt phát hành này là hơn 1.194 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty chỉ bán được số trái phiếu với tổng trị giá gần 394 tỷ đồng.

Diễn biến này đang cho thấy những bất lợi cho CII trong việc tìm dòng vòng vốn cho các đại dự án của họ thời gian tới, bởi công ty này trước đây phụ thuộc khá lớn vào kênh huy động trái phiếu. Tính đến hết tháng 9/2020, tổng dư nợ trái phiếu của công ty mẹ CII khoảng 6.615 tỷ đồng. Phần lớn số tiền thu về được sử dụng cho các dự án đầu tư bất động sản và cầu đường của Công ty.

Thực tế, sự chững lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là bối cảnh chung. Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 10/2020, có 20 doanh nghiệp phát hành thành công 90 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Giá trị phát hành thành công đạt 9.500 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng giá trị đăng ký phát hành, giảm 1.000 tỷ đồng so với giá trị phát hành tháng 9. Sự chậm lại của phát hành trái phiếu thể hiện ở chỗ, giá trị phát hành trong tháng 10/2020 chỉ bằng khoảng 29% giá trị bình quân trong 10 tháng đầu năm. Mặc dù số liệu HNX thống kê chỉ là trái phiếu phát hành theo loại hình riêng lẻ, nhưng các con số trên cũng cho thấy phần nào bức tranh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Kinh doanh sa sút, dòng tiền cũng nặng gánh

Ngoài ảnh hưởng chung của sự trầm lắng, thì sự sụt giảm lợi nhuận của CII cũng có thể khiến nhà đầu tư ít nhiều phải phân vân khi gửi tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp này.

Quý III/2020, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất của CII chỉ đạt 81,2 tỷ đồng (cùng kỳ 476,3 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 30,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả 391,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong văn bản giải trình về sự sụt giảm mạnh lợi nhuận, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cho biết, nguyên nhân giảm lợi nhuận chủ yếu do cùng kỳ năm trước, Công ty phát sinh các khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính và các khoản lãi thanh lý công ty con.

Bên cạnh lý do trên, chi phí tài chính của CII tăng lên cũng “đóng góp” một phần làm giảm lợi nhuận của Công ty trong quý III/2020. Quý III/2020, chi phí tài chính của CII là 308,3 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; riêng chi phí lãi vay giai đoạn này là 255 tỷ đồng, tăng 39% so với quý III/2019.

Cùng với sự sụt giảm về lợi nhuận, thì dòng tiền của CII trong năm 2020 cũng đang bị thâm hụt khá lớn. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2020 âm tới 1.484,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 523,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư vẫn cuồn cuộn hàng ngày, nên CII phải chi mạnh cho đầu tư, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư 9 tháng theo đó bị âm 766,7 tỷ đồng. Tổng dòng tiền thuần kinh doanh và đầu tư âm tới 2.251,5 tỷ đồng.

Để bù đắp dòng tiền cho cả hoạt động kinh doanh lẫn đầu tư, CII chỉ còn cách là gia tăng dòng tiền từ hoạt động tài chính. Trong 9 tháng đầu năm 2020, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của CII đã ghi nhận dương 2.157,4 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, CII cũng không có đợt phát hành cổ phiếu nào, mà dòng tiền tài chính hoàn toàn đến từ hoạt động gia tăng vay tài chính. Trong đó, phát hành trái phiếu đã đóng góp tích cực cho dòng tiền tài chính của doanh nghiệp này.

Chính vậy, nếu kênh phát hành trái phiếu trở nên khó khăn hơn thì sẽ tạo thách thức không nhỏ cho việc cân đối tổng thể dòng tiền của “đại gia” ngành hạ tầng này.

Tin bài liên quan