Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII): Lợi nhuận quý III/2020 giảm 83%, 9 tháng dòng tiền âm kỷ lục 1.484,8 tỷ đồng

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII): Lợi nhuận quý III/2020 giảm 83%, 9 tháng dòng tiền âm kỷ lục 1.484,8 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã chứng khoán: CII – sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính quý III/2020.

Theo đó, trong quý III/2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.821,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 81,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 310% và giảm tới 83% so với cùng kỳ. Điểm đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 31% về chỉ còn là 18,5%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 2.948,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 460,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 100,4% và giảm tới 38,4%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 30,5% về chỉ còn 26,6%.

Được biết, năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu là 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 808 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 35,3% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ.

Điểm đáng chú ý dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trong 9 tháng đầu năm âm kỷ lục 1.484,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 523,5 tỷ đồng. Được biết, trong vòng 4 năm trở lại đây, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp âm và dương không đáng kể, trong đó âm lớn nhất là 608,3 tỷ đồng trong năm 2017. Như vậy, chỉ mới 9 tháng qua đi mà doanh nghiệp đã âm kỷ lục dòng tiền.

Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng âm 766,7 tỷ đồng, để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh chính thâm hụt vốn và hoạt động đầu tư âm, doanh nghiệp đã phải huy động dòng tiền tài chính dương kỷ lục lên tới 2.157,4 tỷ đồng, đây chủ yếu là vay nợ tăng thêm.

Được biết, kể từ đầu năm tới nay, CII là doanh nghiệp liên tục tìm mọi cách phát hành trái phiếu để vay vốn, trong đó ngoài phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư, còn phát hành quyền mua trái phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của CII tăng 4,5% lên 30.570,2 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn và dài hạn lên tới 8.418,8 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng tài sản.

Trong kỳ, nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 16,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.264,4 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên tổng vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng mạnh từ 1,6 lần lên 1,9 lần.

Lịch trả nợ lớn của CII trong các năm tới tính từ 30/09/2020

Lịch trả nợ lớn của CII trong các năm tới tính từ 30/09/2020

Được biết, lịch trả nợ của CII sẽ rất lớn trong vòng 1 - 2 năm tới, việc doanh nghiệp đưa ra kế hoạch huy động vốn từ phát hành trái phiếu, trong khi hoạt động kinh doanh âm kỷ lục là dấu hỏi tiền trả lãi cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, một điểm nhà đầu tư khá lo lắng đối với CII đó là việc mặc dù gặp áp lực đáo nợ lớn, dòng tiền kinh doanh thâm hụt nhưng doanh nghiệp một bên huy động vốn trái phiếu, một bên vẫn trả cổ tức tiền cho cổ đông hiện hữu.

Trên thế giới, các tổ chức tài chính lớn khi giải ngân vào doanh nghiệp, đặc biệt cho vay thường có điều khoản đang trong giai đoạn đầu tư, giai đoạn huy động vốn trái phiếu để giảm rủi ro với trái chủ thường hạn chế doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền vì làm suy yếu dòng tiền của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới khả năng thu hồi lãi vay và dư nợ gốc.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiếu CII giảm 100 đồng về 16.450 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan