Citigroup: Deutsche Bank bị bán tháo là một điều khó hiểu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia phân tích tại Citigroup đánh giá, làn sóng bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank thật phi lý bởi ngân hàng này kinh doanh liên tục có lãi và vừa hoàn thành tái cấu trúc cơ cấu. 
Citigroup: Deutsche Bank bị bán tháo là một điều khó hiểu

Cuối tuần trước, cổ phiếu Deutsche Bank đã có phiên giảm mạnh nhất trong 3 năm qua và chi phí bảo hiểm cho rủi ro ngân hàng Đức vỡ nợ đang tăng vọt. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại Citigroup đánh giá, làn sóng bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank thật phi lý.

Dù là một ngân hàng kinh doanh liên tục có lãi và vừa hoàn thành tái cấu trúc cơ cấu, nhưng Deutsche Bank vẫn là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng châu Âu. Đà giảm diễn ra ngay cả khi Deutsche Bank thông báo kế hoạch mua lại nợ, vốn là một động thái phát đi tín hiệu tốt về doanh nghiệp.

Các chuyên viên phân tích cũng khó tìm ra lời giải cho làn sóng bán tháo ồ ạt này. Lúc đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải lên tiếng để bảo vệ cho Deutsche Bank và trấn an dư luận.

“Dường như chưa có lý do nào đủ lớn để giải thích cho làn sóng bán tháo này, thay vào đó chúng tôi xem đây là một thị trường phi lý”, các chuyên gia phân tích tại Citigroup đã viết trong báo cáo. Rủi ro ở đây là các bài báo tiêu cực nó đã tác động tới tâm lý của người gửi tiền, cho dù là lập luận đằng sau những bài báo này có đúng hay không.

Ulrich Urbahn, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đa tài sản ở Berenberg, cho biết: “Nhà đầu tư chỉ đang cố gắng tìm ngân hàng sắp gặp rắc rối, chẳng hạn như những ngân hàng có dính dáng tới bất động sản thương mại”. Vấn đề là mọi thứ có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm, càng nhiều người nghĩ ngân hàng đang gặp vấn đề khó khăn, sẽ có càng nhiều người rút tiền và lúc này rủi ro cho các ngân hàng mới càng tăng nhanh.

Cổ phiếu của Deutsche Bank có lúc giảm tới 15%, mức giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu đại dịch COVID-19, trước khi hồi phục không đáng kể. Cổ phiếu các ngân hàng khác như Commerzbank AG ở Đức, Banco de Sabadell ở Tây Ban Nha và Societe Generale SA ở Pháp cũng đang lao dốc.

Sự rối loạn của các ngân hàng châu Âu nối tiếp những vụ sụp đổ của các ngân hàng ở Mỹ. Để trấn an mọi người, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, giới chức luôn sẵn lòng đưa ra thêm chính sách để hỗ trợ tiền gửi nếu cảm thấy cần thiết. Nhóm cổ phiếu các ngân hàng Mỹ cũng lao dốc khi có tin Credit Suisse và UBS Group AG nằm trong nhóm ngân hàng đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra về việc họ có hỗ trợ cho các tài phiệt Nga trốn khỏi lệnh trừng phạt hay không.

Đà giảm trên diện rộng cũng đã tạt gáo nước lạnh vào kỳ vọng của giới chức toàn cầu rằng vụ giải cứu Credit Suisse trước đó sẽ giúp lĩnh vực ngân hàng ổn định trở lại như cũ. Các cơ quan hoạch định chính sách và giám đốc điều hành ở các ngân hàng đang tìm cách trấn an các trader về tình hình tài chính của toàn ngành ngân hàng.

Tuần này, các ngân hàng trung ương, như Fed và BoE, lại nâng lãi suất, phát đi tín hiệu lạm phát vẫn là mối lo ngại hàng đầu của họ. Tuy nhiên, đây là một nước đi mạo hiểm khi hy vọng khó khăn của ngành tài chính đã qua giai đoạn tệ nhất để có thể tập trung vào chống lạm phát.

Khi các thị trường đang có tâm lý quá lo ngại vì rất nhiều các vấn đề khó khăn về tài chính, việc phát đi tín hiệu tốt cũng không có tác dụng vì nhà đầu tư chỉ xem chúng là tín hiệu của sự suy yếu. Thông báo mua lại trái phiếu của Deutsche Bank lẽ ra là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, động thái này thay vì củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư thì thì hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này lại tăng vọt, tức là các nhà đầu tư lại càng lo ngại thêm. Chi phí bảo hiểm với trái phiếu có kỳ hạn 5 năm của Deutsche Bank đang ở mức 200 điểm cơ bản, sau khi có lúc lên tới mức đỉnh 220 điểm.

Tin bài liên quan