Cơ cấu xuất khẩu đang sáng lên

Cơ cấu xuất khẩu đang sáng lên

Số liệu ước tính của Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan ngày 21/3/2014 cho thấy, quý I/2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 33,35 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 32,34 tỷ USD.

Với kết quả trên và với định hướng xuất khẩu là lối ra của nền kinh tế, có thể đưa ra nhận xét gì từ kim ngạch cụ thể của các mặt hàng xuất khẩu đóng góp lớn nhất?

Thông qua số liệu về kết quả xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2014, đóng góp lớn nhất được nhận diện dưới hai góc độ.

Ở góc độ thứ nhất, là những mặt hàng có kim ngạch lớn nhất. Trong 40 mặt hàng chủ yếu được thống kê, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch 167 triệu  USD trở lên và với mức này trong 2 tháng, thì đây là những mặt hàng cả năm có khả năng đạt từ 1 tỷ USD trở lên; có 13 mặt hàng đạt từ 334 triệu USD trở lên và với mức này trong 2 tháng, thì đây là những mặt hàng cả năm có khả năng đạt từ 2 tỷ USD trở lên.

Tuy nhiên, có 3 mặt hàng có kim ngạch lớn, nhưng lại giảm so với cùng kỳ năm trước là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tuy đạt 1.365 triệu USD, nhưng giảm 7,2%; dầu thô đạt 1.061 triệu USD (giảm 12,8%); cà phê đạt 613 triệu USD (giảm 9,6%).

Ở góc độ thứ hai, có 13 mặt hàng có kim ngạch tăng khá (tăng từ 43 triệu USD trở lên), đóng góp lớn nhất vào tổng mức tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trong 13 mặt hàng này, không tính mặt hàng hoá chất bởi mức kim ngạch chỉ đạt 135 triệu USD. Theo đó, chỉ tính 12 mặt hàng.

Dung hoà cả hai góc độ trên (vừa có kim ngạch lớn, vừa có mức tăng cao), thì trong 2 tháng đầu năm, có 12 mặt hàng được coi là các mặt hàng có đóng góp lớn đối với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Như vậy, 12 mặt hàng trên có kim ngạch đạt 13.695 triệu USD, đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (chiếm 64,2%), có mức tăng tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước là 2.628 triệu USD, bằng 101,5% tổng mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, kim ngạch của 12 mặt hàng này có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung (tăng 23,5% so với tăng 13,8%).

Một kết quả tích cực là, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đã có sự chuyển dịch bước đầu. Trong 9 mặt hàng trên đã không còn những mặt hàng nguyên liệu thô khai thác (như than, dầu thô,…). Số lượng các mặt hàng nông sản chưa qua chế biến hoặc sơ chế đã ít đi và đã xuất hiện một số mặt hàng có kỹ thuật - công nghệ cao.

Tuy nhiên, tính gia công vẫn còn lớn. Ngay cả những mặt hàng có kỹ thuật – công nghệ cao, thì phần nhập khẩu linh kiện phụ tùng cũng rất lớn so với kim ngạch xuất khẩu (như điện thoại và linh kiện là 1.201 triệu USD so với 3.420 triệu USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện là 187 triệu USD so với 217 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là 2.500 triệu USD so với 1.365 triệu USD…).

Thêm một điểm rất đáng chú ý là, dù là nước nông nghiệp, nhưng nhập khẩu nông sản của Việt Nam lại rất lớn (thuỷ sản 172 triệu USD, rau quả 181 triệu USD, hạt điều 36 triệu USD, lúa mì 337.000 tấn với 107 triệu USD, ngô trên 1,2 triệu tấn với 313 triệu USD, đậu tương 200.000 tấn, với 116 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu 439 triệu USD, cao su 98 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 275 triệu USD,…). Đào Ngọc Lâm(baodautu.vn)

Tin bài liên quan