Cơ chế trọng tài, làm sao tránh “lâm nguy phút 89”?

Cơ chế trọng tài, làm sao tránh “lâm nguy phút 89”?

(ĐTCK) Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được doanh nghiệp chọn ngày càng nhiều, nhưng có rủi ro về pháp lý “ở phút 89” khi phán quyết bị hủy hoặc không được công nhận và cho thi hành.

Có 2 phương thức doanh nghiệp sử dụng khi xảy ra tranh chấp là giải quyết theo thủ tục tố tụng tại tòa án và trọng tài thương mại. Tỷ lệ doanh nghiệp chọn chế định trọng tài thương mại ngày càng tăng.

Theo số liệu trích dẫn từ Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017, có 40% doanh nghiệp FDI lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ tranh chấp nội địa tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có xu hướng tăng.

VIAC thống kê, trong giai đoạn 1993 - 2018, tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong nước (không có bên nào là doanh nghiệp FDI) chiếm hơn 40% tổng số vụ việc. Riêng năm 2017, tranh chấp trong nước chiếm tỷ lệ 71,52%.

Phương thức giải quyết bằng trọng tài có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có bất cập. Đó là sự can thiệp của tòa án khiến phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ. Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới - VBF 2018.

Báo cáo của Nhóm Công tác đầu tư và thương mại còn chỉ ra rằng, tòa án Việt Nam thường ban hành các quyết định từ chối yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam với các lý do không phù hợp với Công ước New York.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thông qua một số vụ việc cụ thể thì rủi ro pháp lý đến từ chính doanh nghiệp khi xác lập, thực hiện hợp đồng, cũng như việc cố tình hiểu sai pháp luật để lẩn tránh nghĩa vụ. 

Chủ thể hợp đồng trái luật

Giữa năm 2018, Tòa án nhân dân TP.HCM đã bác đơn kháng cáo của Công ty Coral PTE.LTD (trụ sở ở Singapore) yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do doanh nghiệp ký hợp đồng với chủ thể không phải là đại diện hợp pháp công ty.

Theo đó, vào năm 2014, Công ty Coral ký hợp đồng bán dầu nhớt với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh P (Công ty P, trụ sở ở thành phố Cần Thơ). Quá trình thực hiện, hai bên xảy ra tranh chấp vì Công ty Coral đã giao hàng nhưng đối tác từ chối nhận phần lớn hàng. Hai bên đã giải quyết tranh chấp trên tại Viện Trọng tài Thụy Sĩ.

Năm 2016, trọng tài ra phán quyết buộc Công ty P phải trả số tiền bồi thường thiệt hại, gồm tiền phạt vi phạm hợp đồng, thù lao luật sư và án phí, số tiền 203.133,80 USD và 30.199,65 CHF.

Công ty Coral đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét và ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết trên tại Việt Nam. Tòa án sơ thẩm không chấp nhận, vì vậy, Công ty kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP.HCM.

Cơ quan pháp luật chứng minh, trong vụ việc, người ký hợp đồng Công ty P không phải là người đại diện theo pháp luật và không được ủy quyền hợp pháp. Trường hợp này được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 3, Nghị quyết số 01 ngày 20/3/2014.

Theo đó, người xác lập thỏa thuận trọng tài thương mại không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu.

Căn cứ vào Điểm a, Khoản 1, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự 2005, tòa án tuyên phán quyết trên không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. 

“Đánh lận con đen”

Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, nhưng việc thực thi phải đảm bảo đúng trình tự, quy định pháp luật. Vụ việc dưới đây, doanh nghiệp cố tình đánh tráo khái niệm để lẩn tránh nghĩa vụ thi hành bản án.

Vụ việc xảy ra giữa Công ty TNHH một thành viên Tòa nhà điện Việt Lào (Việt Lào) và Công ty cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà (CTP). Năm 2009, hai bên ký kết hợp đồng thi công xây lắp, xây dựng công trình khách sạn và văn phòng cho thuê tại Viêng Chăn, Lào. Sau khi hoàn thành, do Công ty Việt Lào chậm thanh toán năm 2017, CTP khởi kiện vụ việc ra VIAC đòi số tiền 26,1 tỷ đồng (gồm tiền gốc và lãi tính theo lãi suất 13,5%/năm).

Ngày 25/4/2018, VIAC ban hành phán quyết trọng tài, buộc Công ty Việt Lào thanh toán số tiền gốc 11,5 tỷ đồng. VIAC cũng áp dụng pháp luật Việt Nam buộc Công ty Việt Lào thanh toán số tiền lãi chậm trả trên số tiền nợ gốc là 6,7 tỷ đồng (lãi suất 9%/năm).

Ngày 25/5/2018, Công ty Việt Lào có đơn đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội đề nghị hủy phán quyết trên, với lý do các bên không có thỏa thuận trọng tài.

Công ty Việt Lào viện dẫn hợp đồng thi công đã được thanh lý theo Điều 3, Biên bản thanh lý hợp đồng ký ngày 12/9/2012. Trong biên bản thanh lý hợp đồng không đề cập việc duy trì hiệu lực của thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng xây lắp năm 2009. Văn bản này cũng không dẫn chiếu đến bất kỳ thỏa thuận trọng tài nào khác giữa các bên. Công ty cho rằng, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 68, Luật Trọng tài thương mại, phán quyết trọng tài thuộc trường hợp bị hủy vì không có thỏa thuận trọng tài.

Lý lẽ này của Công ty Việt Lào không được tòa án chấp nhận. Hội đồng thẩm phán cho rằng, đây là “cách hiểu thiếu cơ sở pháp lý”. Bởi lẽ, tại Điều 11, Pháp lệnh Trọng tài thương mại và Luật Trọng tài thương mại quy định, điều khoản trọng tài tồn tại độc lập với hợp đồng. Mặt khác, quá trình giải quyết vụ kiện tại VIAC, Công ty không phản đối thẩm quyền giải quyết vụ kiện của Hội đồng trọng tài. Theo quy định tại Điều 13, Luật Trọng tài thương mại, Công ty mất quyền phản đối.

Công ty Việt Lào có ý kiến, phán quyết trọng tài được ban hành trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật của Việt Nam, vì theo thỏa thuận giữa 2 bên, Hội đồng trọng tài phải ưu tiên lựa chọn áp dụng pháp luật nước Lào để xem xét trách nhiệm của bên chậm thanh toán.

Tuy nhiên, Công ty Việt Lào không xuất trình tại tòa án các văn bản pháp luật của Lào quy định về trách nhiệm chậm thanh toán trong hợp đồng xây dựng. Tòa án nhận định, việc áp dụng trọng tài Việt Nam trong vụ kiện này là có cơ sở và phù hợp. Do đó, tòa án bác yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty Việt Lào.

Để tránh việc bị tòa án ra phán quyết hủy hoặc không được cho thi hành, luật sư Lê Nết cho biết, khi lựa chọn trung tâm trọng tài, doanh nghiệp cần tìm trọng tài viên nắm chắc luật, vô tư, khách quan. Nếu lựa chọn trung tâm trọng tài nước ngoài, phải xem xét kỹ luật nước đó. Bởi lẽ, thủ tục hủy phán quyết rất chặt chẽ như có bằng chứng sai sót về tố tụng, hoặc hội đồng trọng tài vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký VIAC, khi sử dụng phương thức trọng tài, doanh nghiệp nên tham dự đầy đủ các phiên họp, vì nếu một bên vắng mặt, trọng tài vẫn tiến hành phân xử, không như cơ chế tòa án phải có đủ 2 bên.

Mặt khác, khi soạn thảo hồ sơ vụ tranh chấp tại trọng tài, cần lưu ý thời hiệu, điều kiện để khởi kiện (trước đó phải có thương lượng, hòa giải), giấy ủy quyền (nội dung giấy ủy quyền lưu ý là ngay từ khi bắt đầu tham gia tố tụng trọng tài)…

Tin bài liên quan