Cổ đông Đại Thiên Lộc không đồng ý hủy niêm yết

Cổ đông Đại Thiên Lộc không đồng ý hủy niêm yết

(ĐTCK) Với tỷ lệ 0,02% số phiếu biểu quyết “đồng ý” của các cổ đông không phải là cổ đông lớn, Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) đã không thông qua được việc hủy niêm yết tự nguyện tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). 

Kế hoạch rời sàn HOSE, theo Đại Thiên Lộc, là để Công ty tập trung vào việc tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Sau khi hủy niêm yết, Công ty sẽ đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Tuy nhiên, việc hủy niêm yết không được thông qua.

Cổ phiếu DTL đang trong tình trạng bị cảnh báo bởi lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính năm 2018 âm. Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, Công ty báo lỗ hợp nhất hơn 17 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 198 tỷ đồng năm 2017.

Tình hình khó khăn chưa có nhiều cải thiện đối với Đại Thiên Lộc kể từ đầu năm tới nay. Nửa đầu năm 2019, doanh thu của Công ty giảm gần 10%, lỗ ròng gần 38 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Công ty báo lỗ nửa đầu năm kể từ khi lên niêm yết (năm 2010).

Bước sang quý III, doanh thu và lợi nhuận công ty mẹ giảm mạnh so với cùng kỳ, nguyên nhân là chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán các thành phẩm lại không tăng nhiều.

Cụ thể, doanh thu thuần giảm 90%, đạt 55,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm 1,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước đạt 189 triệu đồng.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III, doanh thu thuần giảm 50%, đạt 443,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 6,89 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 637 triệu đồng.

Theo Đại Thiên Lộc, lợi nhuận đi lên nhờ Công ty đã tiến hành kiểm soát chi phí sản xuất, giảm tối đa các chi phí bán hàng, chi phí quản lý…, khiến tổng chi phí giảm mạnh.

Biên lãi gộp của Công ty có xu hướng tích cực hơn, đạt 14,5% trong quý III/2019, cao hơn mức 5% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do kết quả kinh doanh không tích cực nửa đầu năm, Công ty vẫn lỗ lũy kế gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 70 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của Công ty đạt gần 1.973 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với đầu năm. Trong khi đó, giá trị khoản phải thu ngắn hạn giảm hơn 57%, còn gần 127 tỷ đồng. Hiện tại, nợ ngắn hạn chiếm gần 97% nợ phải trả của Công ty, ở mức 1.869 tỷ đồng.

Trong 1 năm qua, giá cổ phiếu DTL đã giảm 16,19%, hiện giao dịch ở mức 33.650 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch/ngày không đáng kể, chỉ đạt 214 cổ phiếu/phiên trong năm qua.

Ban lãnh đạo Công ty nhận định, giá thép nguyên liệu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho tăng khá cao, chênh lệch giá nhập và giá bán đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Công ty, gây lỗ ngay từ giá nguyên liệu.

Trong khi đó, một số nước xuất khẩu chính trong khu vực Đông Nam Á và một số thị trường mới tìm kiếm, xuất khẩu được đã tiến hành áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, doanh thu xuất khẩu lao dốc, gây ảnh hưởng đến tổng doanh thu của Công ty.

Chưa kể, đa số khách hàng đều có nhu cầu hạn mức dư nợ, nhưng hiện Công ty không thể đáp ứng được hầu hết do nguồn vốn chủ sở hữu hạn chế.

Dù vậy, giá thép trong nước và thế giới đang theo hướng hồi phục và giữ ở mức ổn định, nhờ vậy, giá trị hàng hóa, nhất là lượng hàng tồn kho dự trữ sẽ tăng lên, tạo điều kiện trong việc xoay vòng nguồn vốn và tăng giá trị đầu tư.

Bên cạnh đó, hàng nhập khẩu giá rẻ đã không còn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Hàng sản xuất trong nước sẽ có thêm chỗ đứng, tạo ưu thế cho các sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.

Trong trung hạn, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tăng lên khi giải ngân đầu tư công có những chuyển biến mới và thị trường bất động sản sôi động hơn vào năm 2021. Đây sẽ là thời cơ để doanh nghiệp ngành thép vượt qua giai đoạn khó khăn có cơ hội để vươn lên.

Tin bài liên quan