Mức sống của người dân tăng lên, nhu cầu tiêu thụ nữ trang ngày một lớn

Mức sống của người dân tăng lên, nhu cầu tiêu thụ nữ trang ngày một lớn

Cơ hội đang lớn dần cho vàng trang sức nội

(ĐTCK) Ngành nữ trang Việt Nam đã có những bước tiến lớn so với 25 năm trước - thời điểm chủ yếu chế tác thủ công, chưa đẩy mạnh mở rộng hệ thống bán lẻ nữ trang. Còn hiện nay, phần lớn các cơ sở đã tổ chức sản xuất theo mô hình công nghiệp, sử dụng máy móc để làm ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với nữ trang ngoại nhập lại là vấn đề khác.

Nhu cầu tiêu thụ nữ trang ngày một lớn

Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã giúp tỷ trọng nhóm người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu gia tăng. Với cơ cấu dân số "vàng" như hiện nay cùng thói quen tiêu dùng của người dân, sức mua của thị trường được cải thiện đáng kể.

Theo báo cáo của Euromonitor, ngân sách chi tiêu của người Việt Nam đã tăng mạnh từ cả thành thị đến nông thôn trong năm 2017 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Còn báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số GDP tương ứng với sức mua của người Việt Nam trong năm 2017 đạt 6.876 USD/người và sẽ nâng lên mức 7.377 USD/người trong năm 2018.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Trong khi đó, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu trang sức vàng toàn thế giới năm 2017 tăng 4% so với năm 2016, đạt 16,5 tấn, đặc biệt tăng mạnh trong quý IV. So với các nền kinh tế trong khu vực, ngoại trừ Hồng Kông và Indonesia, mức cầu trang sức của thị trường Việt Nam thường cao hơn các thị trường còn lại, đặc biệt trong năm 2017, biên độ còn được nới rộng hơn. Cũng theo số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, trong khi lượng cầu trang sức vàng của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều giảm, thì Hồng Kông và Việt Nam là 2 thị trường có mức tăng trưởng cao hơn năm 2016.

Khó kiểm soát chất lượng

Thực tế, vàng  là  loại  tài  sản  giá  trị  lớn, dễ bảo quản, cất giữ và được cho là mang lại sự may mắn, nên từ lâu trở thành "của để dành" của hầu hết gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Nhưng kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời, giao dịch vàng miếng đã bị hạn chế, từ đó nhu cầu vàng nữ trang cũng gia tăng.

Trong khi đó, hàng ngoại nhập vào thị trường nhờ mẫu mã đa dạng đã thu hút không ít người tiêu dùng quan tâm, nhưng khó có thể kiểm soát được chất lượng. Bởi vậy, chất lượng nữ trang là vấn đề khiến người mua đau đầu và hiện chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Thói quen của người dân Việt Nam lâu nay trong việc mua vàng là “mua đâu - bán đó” và họ cảm thấy "không mất mát gì" nên vẫn tin tưởng vào cách giao dịch này. Thực tế, vấn đề kiểm soát chất lượng vàng không phải đến thời điểm này mới được đưa ra, mà lâu nay, lực lượng quản lý thị trường đã làm nhiệm vụ này, song chưa thực sự đạt hiệu quả, một trong những nguyên nhân là lực lượng quản lý cũng như công cụ để kiểm soát chất lượng vàng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều cửa hàng vẫn bán vàng miếng, cho dù họ không đủ tiêu chuẩn, trong khi quy định pháp luật không cho phép các doanh nghiệp không có đủ tiêu chuẩn được kinh doanh mặt hàng này.

Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đã có hiệu lực 2 năm qua, nhưng trên thực tế, vẫn rất ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang thực hiện đúng tiêu chuẩn.

Trên thị trường vàng hiện nay, số lượng cửa hàng kinh doanh vàng là rất nhiều, nhưng các thương hiệu lớn thì ít, đặc biệt số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng quy mô có thương hiệu quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, việc còn nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng tiêu chuẩn vàng theo Thông tư 22/2013 là không quá khó hiểu, thậm chí nhiều đơn vị nhỏ lẻ còn chưa biết đến quy định này.

Đây chính là thách thức lớn nhất đối với các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các chính sách kiểm soát chất lượng vàng nữ trang, đặc biệt là chất lượng vàng nữ trang ngoại nhập, trong khi mẫu mã và giá của mặt hàng này lại khá cạnh tranh so với nữ trang của doanh nghiệp nội.

Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh nữ trang trong nước đang gặp khó khăn trong cạnh tranh với một số mặt hàng như vàng trắng của Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường cả về mẫu mã và chi phí. Với người tiêu dùng, nhất là phụ nữ, khi chọn mặt hàng nữ trang vàng để mua thì thường hướng đến yếu tố rẻ và đẹp, rồi mới đến chất lượng.

Hoạt động kinh doanh vàng đang gặp khó

Tuy cơ hội phát triển rộng mở, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh nữ trang hiện nay vẫn còn những rào cản nhất định. Đơn cử, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có cho phép các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nhập khẩu nguyên liệu, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng báo cáo tình hình để có thể tính đến khả năng cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nếu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng vàng nữ trang.

Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng vẫn chưa được nhập nguyên liệu về chế tác, cũng như không được vay vốn ngân hàng để mua vàng. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị lên cơ quan quản lý, song cũng chưa có giải pháp, buộc các doanh nghiệp phải tự xoay xở để có đủ nguyên liệu sản xuất, kể cả việc thu gom vàng trên thị trường.

Trong khi đó, nhu cầu vàng cũng như vàng nữ trang của người tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn ở mức cao. Điển hình là vào ngày Thần Tài 10/1 âm lịch hàng năm, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng. Có một nghịch lý là dù sức cầu rất lớn, nguồn cung cũng không thiếu, song nhiều doanh nghiệp lại không dám "mạnh tay" bán ra, vì nếu bán ra nhiều thì sẽ bị “soi”, bởi không được nhập khẩu thì làm sao có nhiều vàng miếng để bán?

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng chỉ được bán vàng miếng nhãn hiệu SJC, thay vì được bán nhiều nhãn hiệu vàng miếng như trước đây. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng đã có kiến nghị, khi vàng miếng bị hạn chế thì cần thiết mở rộng thị trường vàng nữ trang, chẳng hạn cho nhập khẩu vàng nguyên liệu và xuất khẩu vàng nữ trang có kiểm soát.

Bởi hiện các doanh nghiệp sản xuất nữ trang không có nguyên liệu để sản xuất, chủ yếu là thu gom nguyên liệu trên thị trường, không có hạn ngạch nhập khẩu và cũng khó vay vốn. Vì thế, cần thiết mở cửa đối với thị trường vàng, tối thiểu là việc nhập vàng nguyên liệu.

PNJ - Vị thế doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ trang sức

Những thống kê trên cho thấy, thị trường bán lẻ nói chung và thị trường bán lẻ trang sức Việt Nam nói riêng là một thị trường giàu tiềm năng, có nhiều dư địa tăng trưởng mạnh trong những năm tới, qua đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này.

Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp biết đón đầu xu hướng, nắm giữ và khai thác tốt những lợi thế cạnh tranh mới có cơ hội chiếm lĩnh và dẫn dắt thị trường và Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp như thế.

Kết thúc năm 2017, tổng doanh thu của PNJ  đạt 11.049 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2016, trong đó doanh thu bán lẻ đạt gần 5.780 tỷ đồng, tăng 39%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 908,11 tỷ đồng, tăng 54% và hoàn thành 121% kế hoạch.

Hệ thống bán lẻ của PNJ trong năm 2017 không ngừng mở rộng trên khắp cả nước với 50 cửa hàng, hoàn thành 125% kế hoạch phát triển mạng lưới đặt ra từ đầu năm. PNJ có gần 270 cửa hàng phân bố rộng rãi trên cả nước tính đến cuối năm 2017 và là doanh nghiệp kim hoàn có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Nhờ liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ, thị phần của PNJ đã tăng lên 27% tính đến hết năm 2017.

Theo kế hoạch, PNJ sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở mới các cửa hàng trong năm 2018, cán mốc 300 cửa hàng trong tháng 4. Đồng thời, PNJ sẽ phát triển thêm các kênh phân phối mới và lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử để khách hàng trẻ có những trải nghiệm mua sắm phù hợp xu thế. Mô hình chuỗi cung ứng cũng được PNJ phát huy hiệu quả với tiêu chí "đúng - đủ - kịp thời" nhằm đem lại doanh thu cao nhất, thỏa mãn nhu cầu khách hàng và kiểm soát vòng quay hàng hóa, nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Về kế hoạch hoạt động năm 2018, PNJ sẽ đẩy mạnh rà soát, cập nhật kế hoạch chiến lược định kỳ, bao gồm các hoạt động sản xuất - chế tác và kinh doanh sỉ, phát triển lĩnh vực kinh doanh mới, công nghệ và chuyển đổi số hóa, làm giàu nguồn nhân lực…

Tiếp tục định hướng xây dựng và theo dõi thực thi các chương trình hành động chiến lược như dự án ERP, dự án CRM, dự án tối ưu hóa hoạt động quản lý chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, các chương trình phát triển nhân tài PNJ, chương trình làm giàu giá trị thương hiệu…

Song song với đó, PNJ cũng sẽ tập trung phát triển các năng lực chiến lược của Công ty như công nghệ, Data Analytics, Digital Marketing, quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, quản trị kênh phân phối tích hợp (omni channel)...

Năm 2018, bên cạnh việc sẽ mở thêm tối thiểu 30 cửa hàng, để hoàn thiện mô hình hoạt động, PNJ dự kiến tách Xí nghiệp nữ trang thành Công ty TNHH MTV Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ, thành lập thêm công ty con là Công ty TNHH MTV Kỷ nguyên khách hàng (Customer Era Ltd); đầu tư thêm máy móc, dây chuyển sản xuất (giá trị khoảng 38 tỷ đồng)... 

Tin bài liên quan