Cơ hội để nhân viên CTCK “làm liều”

Cơ hội để nhân viên CTCK “làm liều”

(ĐTCK) TTCK khó khăn kéo dài, tiền và cổ phiếu được nhà đầu tư “ngâm” trong tài khoản chính là miếng mồi ngon cho nhân viên CTCK “làm liều”.

Thông tin mới nhất từ cơ quan quản lý TTCK cho biết, vụ việc CTCK Tràng An và CTCK Goden Bridge lạm dụng tài khoản của nhà đầu tư đang được xử lý theo hướng cơ quan quản lý yêu cầu các chủ sở hữu mới tại DN phải hoàn trả nguyên trạng tài sản (chứng khoán và tiền) của nhà đầu tư mà các công ty này đã lạm dụng.

Hiện hai ông chủ người nước ngoài của hai công ty trên vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ này.

Càng yếu, càng liều

Đó là nhận định của giám đốc một CTCK nằm trong Top 10 thị phần, có trụ sở tại Hà Nội. Hoạt động kinh doanh của khối CTCK đang rất khó khăn khi thanh khoản của thị trường sụt giảm nghiêm trọng, giá trị giao dịch bình quân trên cả hai sàn chỉ khoảng 500 tỷ đồng/phiên, trong khi ở thời kỳ đỉnh điểm, giá trị giao dịch mỗi phiên có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng. Những cái tên như CTCK SME, Trường Sơn nay chỉ còn là “xác không hồn” và với nhiều nhà đầu tư, những cái tên này không còn tồn tại. Những cái tên CTCK khác bị mang “tai tiếng” nặng như Tràng An (TAS), Golden Bridge (GBS)… vì đã nhiều lần bị nhà đầu tư khiếu nại, tài khoản của họ tại Công ty "có vấn đề", có tiền mà không thể rút được tiền ra. TAS và GBS cũng nhiều lần bị Trung tâm Lưu ký chứng khoán cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán. TTCK khó khăn khiến nhiều CTCK rơi vào tình trạng lỗ, mất cả vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, sự quyết liệt của UBCK trong việc khám "sức khỏe" cho các CTCK để từ đó có biện pháp cảnh báo thị trường cho thấy, sẽ còn nhiều cái tên CTCK bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt trong thời gian tới đây.

Cơ hội để nhân viên CTCK “làm liều” ảnh 1

Nhiều NĐT có xu hướng chuyển tài khoản sang các CTCK tốt hơn

ĐTCK đã từng phản ánh về tình trạng lạm dụng tài khoản của nhiều nhà đầu tư tại TAS. Trao đổi với ĐTCK, nhà đầu tư  N.Đ.Tuấn, tài khoản số 041c008xxx tại TAS cho biết, tài khoản của anh đã bị “hô biến” một số mã chứng khoán cách đây nửa năm và đến nay sau nhiều lần được “hứa hẹn” rằng, Công ty sẽ khôi phục lại tài khoản trong thời gian sớm nhất, nhưng đó vẫn chỉ là lời hứa. Anh Tuấn chỉ là một trong nhiều trường hợp nhà đầu tư cùng “cảnh ngộ”, nhưng xem ra rất khó để nhà đầu tư nhận lại được những thứ mình đã mất. Tương tự, tại GBS, một số nhà đầu tư phản ánh với ĐTCK về việc tiền trong tài khoản của họ “không cánh mà bay”. Đến nay (ngày 20/11), sau hơn 2 tháng GBS hẹn sẽ hoàn tiền cho nhà đầu tư, nhưng vẫn chưa thấy tiền về tài khoản… Không chỉ tại TAS, GBS, lác đác tại một số CTCK “top yếu”, tình trạng chiếm dụng tài khoản nhà đầu tư vẫn âm ỉ diễn ra.

 

Hoàn trả tài sản cho nhà đầu tư, không dễ

Việc xâm phạm tài khoản của NĐT không chỉ là chuyện riêng của một CTCK, mà diễn ra ở một số chủ thể yếu kém, gây tâm lý hoang mang chung trong dư luận, song đến nay vẫn chưa có giải pháp mạnh để xử lý. Hiện chưa có một văn bản hay quy chế cụ thể nào để quy trách nhiệm đến cùng về nghĩa bồi thường khi gây tổn hại đến tài sản chân chính của nhà đầu tư. Những lá đơn “cầu cứu” của nhà đầu tư đã được gửi đến nhiều cơ quan chức năng, báo chí, nhưng hướng xử lý để đòi lại quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn khá mờ mịt. Trước mắt, nếu CTCK sai, UBCK sẽ thanh, kiểm tra và xử phạt hành chính, buộc họ phải tuân thủ pháp luật; lỗi nặng hơn nữa là thu hồi một phần giấy phép hoạt động của CTCK. Tuy nhiên, với các chế tài hiện tại, áp lực buộc CTCK nghiêm túc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư vẫn còn khá lỏng. Thực tế, nhà đầu tư vẫn chưa đòi được tiền, được chứng khoán, sau các quyết định từ cơ quan quản lý chuyên ngành.

Sau nhiều lần đối chất qua lại với lãnh đạo TAS để đòi lại tài sản đã bị Công ty lạm dụng, nhà đầu tư V.V.Q bức xúc đặt ra vấn đề với ĐTCK rằng: “Chúng tôi không biết nên theo hướng nào, nếu UBCK không ép được CTCK trả tiền cho chúng tôi, chúng tôi buộc phải đâm đơn ra tòa. Nhưng nếu có đâm đơn ra tòa thì cũng không biết đến bao giờ mới được đưa ra xét xử. Nếu tòa có xử và tuyên phạt CTCK sai, phải có trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư thì cũng không biết đến khi nào nhà đầu tư mới nhận được tài sản của mình?”.

Trở lại vấn đề các CTCK mất thanh khoản nặng, những khoản lạm dụng tiền tỷ chưa thể hoàn trả đã đành, đến những khoản vài chục triệu đến vài trăm triệu các CTCK cũng không giải quyết cho nhà đầu tư. Bị TAS lạm dụng tổng tài khoản gần 100 triệu, nhà đầu tư T gần như vô vọng, vì đã hơn 1 năm “nói qua, nói lại”, thậm chí đã từng nặng lời với nhân sự TAS, nhưng anh T vẫn chưa đòi được tiền. Nhiều người cho rằng, chỉ mất mấy chục triệu thì không bõ công làm đơn khiếu nại, hay gửi đơn lên tòa án và theo kiện, nhưng nếu cứ nghĩ đến việc “tài sản” của mình để trong tài khoản mở tại CTCK bị “mất cắp” dễ dàng như vậy thì nỗi bức xúc trong lòng lại bùng lên.

TTCK khó khăn kéo dài, nhiều nhà đầu tư duy trì tài khoản trong một thời gian dài mà không hề giao dịch, trong đó có cả cổ phiếu lẫn tiền mặt. Đây chính là cơ hội cho nhân viên CTCK “làm liều”. Tuy nhiên, sự thật nhức nhối là khi CTCK có vấn đề, nhà đầu tư sẽ  rất khó khăn trong việc đòi lại tiền cũng như chứng khoán, hoặc làm thủ tục chuyển tài khoản.

 

Xu hướng chuyển tài khoản sang CTCK tốt

Với nhiều nhà đầu tư, cách tốt nhất để hạn chế tài khoản của mình không bị lạm dụng là phải chuyển tài khoản sang một CTCK tốt. Ông V.V. Q từng trung thành với TAS cho biết, ông và một số nhà đầu tư cũ tại TAS đã làm thủ tục chuyển những cổ phiếu còn lại (chưa bị lạm dụng) sang CTCK khác, còn số tài sản đã bị TAS chiếm dụng bao gồm cả cổ phiếu và tiền mặt, thì vẫn theo đuổi để tìm lại. Theo tìm hiểu của ĐTCK, dù không có sự đột biến, nhưng tại nhiều CTCK có thương hiệu, uy tín, số lượng tài khoản mới đang có sự gia tăng, trong đó có rất nhiều tài khoản được chuyển sang từ các CTCK yếu kém.

Ghi nhận của ĐTCK đối với một số trường hợp nhà đầu tư đã và đang có ý định chuyển tài khoản sang CTCK tốt hơn cho thấy, xu hướng của đối tượng này là mong muốn chọn CTCK có tiềm lực tài chính mạnh, quản trị rủi ro tốt và đặc biệt là tuân thủ luật pháp, hoạt động minh bạch. Các CTCK trong Top 10 về thị phần đang có nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư mới, nhất là những công ty đã nghiêm túc thực hiện tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư với CTCK. Một tiêu chí nữa mà nhà đầu tư thường thích lựa chọn là những CTCK có hệ thống công nghệ hiện đại, bởi hiện nay giao dịch trực tuyến là phổ biến và lợi thế nghiêng về các công ty có công nghệ tốt, giao dịch thuận lợi, an toàn.

Bên cạnh những khối u đang chờ thuốc đặc trị tại những CTCK yếu, thị trường khó khăn cũng là thời điểm để các CTCK tái cơ cấu để tồn tại. Hiện trạng thị trường lúc này đang buộc các CTCK lành mạnh cạnh tranh với nhau bằng năng lực nghiệp vụ, bằng hệ thống công nghệ tiên tiến, nhằm giữ chân nhà đầu tư cũ, thu hút nhà đầu tư mới trên nền một hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn mà UBCK đang hướng các CTCK xây dựng theo chuẩn mực chung của ngành.