Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều ý tưởng, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều ý tưởng, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020

Cơ hội sau buổi đối thoại CEO Summit

(ĐTCK) Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) năm 2017 đã mở ra những cánh cửa mới cho cộng đồng doanh nhân trong việc tìm hiểu và tiếp cận thị trường trong ngôi nhà chung APEC.

Thông điệp từ các nền kinh tế lớn

Hội nghị CEO Summit diễn ra ở Đà Nẵng vừa qua quy tụ hơn 2.000 doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế trong khu vực. Nhiều doanh nhân kỳ vọng có cơ hội lớn để xuất khẩu hàng hóa và hợp tác với các nhà đầu tư trong khu vực, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lần lượt giữ vị trí lớn thứ nhất và thứ hai thế giới.

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ quan điểm, Mỹ tìm kiếm đối tác, chứ không mơ về sự thống trị, nhằm cùng nhau lớn mạnh. Quan hệ thương mại được xây dựng dựa trên giá trị thực chất và lâu dài, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung. Mỹ sẵn sàng có thỏa thuận song phương với bất cứ nước nào ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng phải đảm bảo yếu tố thương mại công bằng. Theo ông Trump, an ninh kinh tế, thương mại là an ninh quốc gia và Mỹ không khoan nhượng trong vấn đề này.

“Tôi mong chúng ta cùng phát triển và cùng có lợi. Chúng tôi luôn mong muốn sự thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. “An ninh và thịnh vượng của nước Mỹ phụ thuộc vào khu vực này”, ông Donald Trump nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, 15 năm tới, Trung Quốc cần nhập khẩu 24.000 tỷ USD hàng hóa và thu hút 2.000 tỷ USD vốn đầu tư, đầu tư ra nước ngoài khoảng 2.000 USD.

Ông Bình khẳng định, Trung Quốc luôn coi trọng hòa bình, xây dựng quan hệ đối tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Đồng thời, tạo ra các khu vực tự do thông qua đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) và tạo ra mạng lưới thuận lợi hóa trên toàn cầu. Quan điểm của Trung Quốc là đẩy mạnh cơ chế đa phương, xây dựng một cộng đồng chung nhiều quốc gia cùng có lợi.

Đổi mới, sáng tạo là động lực tăng trưởng

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, cần có tầm nhìn toàn cầu và không có lựa chọn nào khác cho quá trình toàn cầu hóa. Các vấn đề liên quan đến quá trình toàn cầu hóa không chỉ về kinh tế, mà còn về chính trị.

“Để giải quyết các vấn đề này, chúng ta cần phải tập trung vào việc truyền năng lượng cho xã hội. Chính phủ và doanh nghiệp phải chung tay để bảo đảm tăng trưởng toàn cầu sẽ lan tỏa rộng rãi tới các tầng lớp người lao động”, bà Kwakwa nói.

Trong đó, để vươn lên trở thành doanh nghiệp có tầm nhìn và hướng đến quy mô toàn cầu, cần phải lấy đổi mới sáng tạo làm động lực tăng trưởng mới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ, 5 năm qua, Công ty đã tạo ra một xu thế đi lại mới, hiện công ty dẫn đầu về thị phần hàng không ở Việt Nam (khoảng 40% thị phần).

Không giống với mô hình hàng không thông thường, Vietjet đang xây dựng một hệ sinh thái dựa trên nền tảng công nghệ nhằm cung cấp cho khách hàng nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng.

“Tôi gọi hãng hàng không của mình là consumer airlines” (hãng hàng không tiêu dùng)”, bà Thảo nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn Kangaroo cho biết, tham dự CEO Summit, có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nhân của 21 nền kinh tế trong khu vực, các doanh nhân Việt được mở mang hơn, có thêm nhiều thông tin, kiến thức và mối quan hệ để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lên tầm nhìn toàn cầu.

Việc xây dựng khu vực thương mại tự do sẽ giúp thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh hơn, doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội phát triển tốt hơn. Bản thân Kangaroo cũng đang nắm bắt cơ hội để chinh phục thị trường 700 triệu dân của Đông Nam Á, nhằm vươn lên vị trí số 1 ở khu vực này.

Tin bài liên quan